Thị trường nông sản: Xuất khẩu gạo 2024 khả năng đạt kỷ lục mới
Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 8,13 triệu tấn gạo. Với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước thì xuất khẩu gạo sẽ đạt trên 8 triệu tấn và sẽ vượt kỷ lục của 2023.
Xuất khẩu gạo. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.
Giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua không có nhiều biến động. Giá xuất khẩu gạo giảm cùng chung xu hướng với các nhà xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, với kết quả xuất khẩu gạo tích cực từ đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024 có thể đạt kỷ lục mới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 10 năm 2024 ước đạt 800.000 tấn với 505 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo các thương nhân ở Đồng bằng sông Cửu Long, tuần qua gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 520-525 USD/tấn, thấp hơn mức 532 USD/tấn của tuần trước.
Một thương nhân cho biết các thương nhân đang chờ đợi quyết định của Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog), dự kiến sẽ được công bố vào ngày 3.11. Bởi, Bulog đã phát hành cuộc đấu thầu mới vào ngày 24.10. Đợt đấu thầu quốc tế lần này, Bulog sẽ mua khoảng 500.000 tấn gạo từ Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Pakistan và Ấn Độ.
Thị trường gạo châu Á
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục giảm trong tuần này, xuống mức thấp nhất trong 15 tháng do đồng rupee giảm giá và nguồn cung tăng.Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, được chào bán ở mức từ 442-449 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 20.7.2023 và giảm so với mức từ 450-484 USD/tấn của tuần trước. Gạo trắng 5% tấm được chào bán ở mức từ 449-455 USD/tấn.
Một thương nhân ở New Delhi cho biết, cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu gạo đã gia tăng sau động thái điều chỉnh thuế xuất khẩu của Ấn Độ. Người này cho hay nhu cầu vẫn mạnh, nhưng người mua đang tìm kiếm nguồn gạo với giá thấp hơn.
Các công ty xuất khẩu Ấn Độ đang hạ giá do đồng rupee suy yếu và nguồn cung vụ mới đang kéo giá lúa giảm. Đầu tháng này, Ấn Độ đã bỏ thuế xuất khẩu đối với gạo đồ và bỏ giá sàn đối với gạo trắng không phải giống basmati để thúc đẩy xuất khẩu.
Kho gạo ở Prayagraj, Ấn Độ. (Ảnh: ANI/TTXVN)
Tại Bangladesh, các quan chức cho biết nước này đang xem xét giảm thuế nhập khẩu gạo hơn nữa do giá gạo trong nước tiếp tục tăng cao. Mặc dù đã có những điều chỉnh gần đây giúp giảm thuế, các thương nhân vẫn chưa mấy quan tâm, chủ yếu do chi phí nhập khẩu cao, vượt quá 65 Taka (0,5462 USD)/kg. Để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này và giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, các quan chức đang đề xuất giảm thuế nhập khẩu gạo xuống 5%.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm tuần thứ hai liên tiếp xuống còn từ 485-495 USD/tấn, từ mức 510 USD/tấn của tuần trước. Các thương nhân cho rằng nguyên nhân là do đồng baht yếu và biến động tiền tệ. Một thương nhân ở Bangkok cho biết, gần đây, do gạo Thái Lan rẻ hơn nên có cơ hội thắng thầu từ Indonesia.
Thị trường trong nước
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 6.700-7.100 đồng/kg; lúa OM 5451 có giá từ 7.300-7.600 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; OM 380 dao động 7.000-7.200 đồng/kg; OM 18 từ 8.400-8.500 đồng/kg...
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.000 đồng/kg...
Giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu ở mức 10.600-10.700 đồng/kg. Trong khi đó, gạo thành phẩm IR 504 ở mức 12.550-12.650 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.900-9.600 đồng/kg. Giá tấm OM 5451 đang ở mức từ 9.300-9.600 đồng/kg; giá cám khô từ 6.700-6.800 đồng/kg.
(Theo TTXVN/Vietnam+)