Tập trung khắc phục hậu quả bão lũ, bảo đảm tăng trưởng năm 2024
Sáng 4.11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên họp. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì các nội dung thảo luận.
Tại phiên họp, về tình hình KT-XH năm 2024, các đại biểu Quốc hội cơ bản đánh giá cao kết quả KT-XH trong 9 tháng năm 2024, với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã điều hành linh hoạt, đạt nhiều thành tựu nổi bật về KT-XH. Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan bất chấp thách thức toàn cầu; xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn; lạm phát trong tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định…
Lãnh đạo Quốc hội chủ trì, điều hành phiên thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn
Đặc biệt, tổng chiều dài đường bộ cao tốc của cả nước đến nay là hơn 2.000km; thần tốc hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối; rút ngắn thời gian hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sắp trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam; Đề án 06 đã giúp giảm các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu…
Các đại biểu Quốc hội đều đánh giá, cơn bão số 3 (bão Yagi) đi qua với sức tàn phá nặng nề, đã để lại hậu quả lớn về người và tài sản cho nhiều tỉnh miền Bắc, có thể làm giảm 0,15% tăng trưởng GDP năm 2024...
Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt chăm lo cho người dân của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cùng những nghĩa cử cao đẹp, chứa chan tình đồng chí, đồng bào đã làm vơi đi nhiều nỗi đau, mất mát sau bão.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn
Bên cạnh đó, đánh giá các địa phương đã triển khai tốt công tác ứng phó và kịp thời khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, công tác phòng, chống bão lũ vẫn còn bất cập. Một số địa phương chỉ chú trọng đến công tác ứng phó khi có thiên tai xảy ra, công tác phòng ngừa chưa được quan tâm đúng mức, nhất là công tác dự báo, quan trắc tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất…
Đồng thời, đại biểu cho rằng, việc duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng phòng, chống thiên tai cũng chưa được quan tâm đúng mức. “Hệ thống các công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập tại nhiều địa phương nhiều năm không được duy tu, nâng cấp”, đại biểu nói.
Do đó, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc; thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường, đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần có chính sách quan tâm hơn đến bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn; công tác phòng ngừa, dự báo và đầu tư hạ tầng phòng, chống thiên tai để ứng phó hiệu quả nhất khi có thiên tai xảy ra.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Để tiếp tục chuẩn bị tốt hơn nữa để phòng tránh, ứng phó thiên tai, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đề nghị tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, nhất là các địa phương miền núi.
Cùng với đó, đại biểu Đoàn Bắc Kạn đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con, để tấm lòng của Đảng, Nhà nước sớm đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão lũ.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, bảo đảm tăng trưởng.
Theo Tiến Thành (HNMO)