Đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội trong năm 2025
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025, vì đây là năm có nhiều sự kiện quan trọng.
Mong Chính phủ đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp
Tại phiên thảo luận về KT-XH sáng 4.11, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đánh giá, trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định KT-XH, lạm phát được kiểm soát. Ông cũng đồng tình với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng từ 6,5 - 7% trong năm 2025 và cao hơn nữa là 7 - 7,5%.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM). Ảnh: Như Ý
Ngoài ra, đại biểu đoàn TPHCM đề nghị cần có chính sách quan tâm tổng thể để tiếp sức cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế cũng như khuyến khích, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nhắc lại đề nghị của ông tại phiên thảo luận ở tổ trước đó là cần quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025, vì đây là năm có nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc.
Từ đó, ông Ngân mong Chính phủ đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp. “Chúng ta không tăng lương khu vực công thì được nhưng phải tăng lương hưu, trợ cấp", đại biểu đoàn TPHCM nêu quan điểm.
Theo đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam), những tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025 là khoảng thời gian có ý nghĩa rất quan trọng trong tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết đại hội XIII của Đảng.
Cùng với việc chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kinh tế, ông Thắng đề nghị Chính phủ tập trung xử lý các vấn đề nhiều cử tri quan tâm, có ý kiến lâu nay, như: Tình trạng thiếu biên chế giáo viên phổ thông, những bất cập trong việc đổi mới chương trình giáo dục, việc sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường, tình trạng thiếu thuốc, vật tư tại các cơ sở y tế.
Đại biểu cũng cho rằng, cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách với các đối tượng thụ hưởng, sớm ban hành đề án hỗ trợ cải tạo nhà ở đối với người có công với cách mạng, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người có thu nhập thấp theo đúng ý nghĩa, mục tiêu đề ra.
“Người dân đang rất kỳ vọng, mong chờ hiệu quả, thay đổi từ những dự án luật, chính sách mới mà Quốc hội, Chính phủ đã và đang sửa đổi”, ông Thắng cho hay.
Đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam). Ảnh: Như Ý
Biến đại học trở thành trụ cột trong phát triển
Quan tâm đến nguồn lực phát triển đất nước, đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) cho biết, thực tế cho thấy, tự chủ đại học là điểm đột phá, động lực cho các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và dần phát huy tối đa mọi nguồn lực để phát triển theo chuẩn mực quốc tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.
Tuy nhiên, đào tạo sau đại học cho khối ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ, nền tảng của công nghiệp tự cường, kết hợp với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của hệ thống giáo dục đại học cần phải tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt.
Đại biểu nhấn mạnh, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của đại học là vô cùng quan trọng. Vì thế, cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy mọi nguồn lực nhằm biến đại học trở thành trụ cột trong phát triển KT-XH của đất nước...
“Nghiên cứu sinh Tiến sĩ cần được coi là nguồn lực của sáng tạo, cần được phân luồng từ đào tạo bậc đại học và có cơ chế hỗ trợ, chăm sóc từ nguồn ngân sách nhằm thúc đẩy quá trình tiếp thu tinh hoa công nghệ thế giới và sáng tạo công nghệ phục vụ công nghiệp và đời sống”, ông Thắng nói.
Cùng quan tâm đến người lao động, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng, cần tháo gỡ vướng mắc trong quy định về công tác đào tạo nghề.
Đại biểu Trân cho rằng, doanh nghiệp ở Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, trình độ năng lực cạnh tranh còn thấp, tiềm lực tài chính hạn chế, lao động chủ yếu là lao động phổ thông, xuất thân nông thôn.
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, việc đặt hàng đào tạo chưa thu hút được doanh nghiệp khi còn có những rào cản về chi phí, trang thiết bị giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong quản lý, phát triển chương trình đào tạo.
Đại biểu đoàn Bình Dương đề nghị nghiên cứu, có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, thị trường lao động cũng như đặc thù KT-XH của từng địa phương, từng bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn lao động.
Theo Luân Dũng (TPO)