Nghiêm trị hành vi phá hoại môi trường cho dù là nhỏ nhất
Ngày 4.11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra phiên họp toàn thể tại hội trường, thảo luận về 4 nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Không để “rừng trọc, đồi thưa”
Tranh luận với đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) về cách thức tiến hành cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi), ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) khẳng định Chính Phủ, các bộ, ban, ngành và toàn dân đã làm hết khả năng của mình để ứng cứu khi thiên tai bão lũ xảy ra. Tuy vậy, ĐB Hiếu cho rằng, còn rất nhiều bài học cần phải rút ra để có thể giảm hơn nữa những mất mát, đặc biệt là về người. Trong đó, việc phân phối hàng cứu trợ phải hợp lý, tránh tình trạng chỗ cần không có và chỗ lại thừa. Đồng thời, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác định nhu cầu thực chất cần cứu trợ gì và số lượng, thời gian cách thức đưa được hàng cứu trợ đến trực tiếp người dân và địa phương đang gặp khó khăn; sớm có kế hoạch triển khai các thành tựu mới của KHKT hiện đại trong hoạt động cứu nạn cứu hộ.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị cần thay đổi cách làm, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để triển khai trồng rừng theo từng địa phương, từng địa hình, địa lý khác nhau không để “rừng trọc, đồi thưa”. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Đồng tình với quan điểm của ĐB Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) về tình trạng rừng bị thiệt hại vẫn tiếp tục xảy ra, ĐB Hiếu chia sẻ rằng đến địa phương nào cũng nhận thấy màu xanh của rừng không bền vững, chủ yếu là trồng keo, bạch đàn - những loại cây có khả năng giữ đất không cao; chu kỳ khai thác ngắn, chỉ 3-5 năm sau khai thác thì “rừng trọc, đồi thưa”. Từ đó, ĐB Hiếu đề nghị cần thay đổi cách làm, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài nước để triển khai trồng rừng theo từng địa phương, từng địa hình, địa lý khác nhau. Nên tăng cường trồng cây bản địa, cây lâu năm; nếu vẫn cần khai thác kinh tế thì có thể quy hoạch những vùng trồng cây sản xuất ở phía dưới, còn phía trên đỉnh núi là những cây lâu năm, cây bản địa.
Đối với vấn đề khai thác tài nguyên, đặc biệt là những đại dự án ở vùng lõi, vùng dự trữ sinh quyển, ĐB Hiếu đề nghị rà soát cẩn thận, đánh giá tác động môi trường khách quan, công tâm. “Đặc biệt những nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo thì chúng ta phải thận trọng. Việc khai thác gỗ tự nhiên cần chấm dứt; tăng cường tuyên truyền để thay đổi sở thích sập gụ, tủ chè, bình hứng lộc làm bằng gỗ nguyên khối tự nhiên của người Việt Nam. Đồng thời, nghiêm trị hành vi phá hoại môi trường cho dù là nhỏ nhất như trồng cây mà vẫn còn nguyên bọc hay cây còn có khả năng cứu lại chặt đi để xin ngân sách trồng mới”, ĐB Hiếu kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề phát triển y tế cơ sở, ĐB Hiếu dẫn chứng rằng ở vùng miền núi Lào Cai - một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất của bão số 3, nhưng nhờ đã đầu tư tốt cho y tế tuyến huyện, trong đó có sự kết nối thường xuyên với tuyến Trung ương, nên đã cứu được nhiều nạn nhân của cơn bão số 3. Chỉ những ca thật phức tạp sau khi sơ cứu ổn định mới chuyển về Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai. Từ đó, ĐB Hiếu khẳng định đây là mô hình tốt cần được nhân rộng để nâng cao sức khỏe người dân và sẵn sàng ứng phó với những thảm họa dù không ai muốn nhưng có thể xảy ra trong tương lai.
Đưa nhóm lao động phi chính thức vào nhóm đối tượng ưu tiên liên thông trong Luật BHYT sửa đổi
Tham gia thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành trong ổn định và phát triển KT-XH trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới tác động vào nước ta.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị đưa nhóm lao động phi chính thức vào nhóm đối tượng ưu tiên liên thông trong Luật BHYT sửa đổi. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Trên cơ sở số liệu về lao động phi chính thức, ĐB Thủy đề nghị cần phải có giải pháp cập nhật, quản lý dữ liệu thông tin về lao động phi chính thức; trên cơ sở đó đưa nhóm đối tượng này vào nhóm đối tượng ưu tiên liên thông trong Luật BHYT sửa đổi lần này. Bởi theo ĐB Thủy, mặc dù pháp luật, cụ thể Luật BHXH sửa đổi năm 2024 đã có những quy định ưu việt về đối tượng đóng BHXH bắt buộc, đối tượng đóng BHXH tự nguyện, thời gian đóng - hưởng BHXH, trợ cấp hưu trí… qua đó đảm bảo vấn đề an sinh xã hội cho người lao động khi hết tuổi lao động, giảm gánh nặng xã hội. Tuy nhiên, theo báo cáo đa phần lao động phi chính thức chưa tiếp cận được với các điều kiện về an sinh - xã hội, chưa được ký hợp đồng, được tham gia BHYT hay BHXH.
“Theo Tổng Cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 33 triệu lao động tự do (trên tổng số 52 triệu lao động), chiếm hơn 65% tổng số lao động trong cả nước. Tuy nhiên có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương. Điều đáng nói, hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH (chiếm tới 97,9%), chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Ngoài ra, theo Bộ LĐTB&XH có gần 70% lao động trong độ tuổi chưa được thu thập thông tin về việc làm, khiến họ khó tiếp cận và thụ hưởng các chính sách xã hội. Cả nước hiện có 52,1 triệu lao động, song mới gần 17,5 triệu người đóng BHXH có thông tin. Còn lại hơn 34 triệu người thuộc khối phi chính thức chưa được thu thập và quản lý thông tin. Nguyên nhân là do đặc thù lao động phi chính thức, lao động tự do, di chuyển liên tục, chỗ ở không ổn định. Vì thế nhiều lao động khó có thể đóng BHXH tự nguyện được. Đồng thời, việc đăng ký BHYT ở một nơi nhưng lúc khám bệnh ở một nơi khác khiến việc khám chữa bệnh rất khó khăn”, ĐB Thủy phân tích.
Nguồn: BTV
Về hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN theo báo cáo của Chính phủ trong 9 tháng đầu năm 2024, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 86.900 DN, tăng 14,7 % so với cùng kỳ năm trước; gần 61.500 DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4%; 15.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,9%. Bình quân một tháng có 18.200 DN rút lui khỏi thị trường. Như vậy, tỷ lệ DN rút lui khỏi thị trường trên số DN tham gia thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023. Ngoài ra, trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, nhiều DN, nhất là ngành dệt may vẫn đứng trước khó khăn thiếu lao động do năm 2023 phải thu hẹp sản xuất, lao động về quê hoặc tìm được việc làm mới không quay trở lại, tình trạng người lao động làm việc thời gian ngắn rồi xin nghỉ hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã gây ra biến động lao động; tăng lực lượng lao động phi chính thức.
Do đó, ĐB Thủy đề nghị cần đánh giá kỹ hơn số liệu DN thành lập mới cũng như DN xin tạm ngừng hoạt động, cụ thể tỷ lệ DN thực hoạt động, có phát sinh thuế hằng năm, DN đóng thuế không cao, nhưng thu hút số lượng lớn lao động, nhất là ngành dệt may, chế biến nông sản...
Bên cạnh đó, cần đề ra giải pháp cụ thể giảm lao động phi chính thức, nhất là các lao động phi chính thức dịch chuyển tạm thời khi mất việc làm tại các thành phố lớn, các DN giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động và ngược lại. Trên cơ sở đó có sự phân tích và có giải pháp cụ thể, cách tiếp cận về lao động phi chính thức cần được thay đổi theo hướng áp dụng các biện pháp các chính sách hỗ trợ cụ thể để họ tự nguyện tham gia BHXH và bảo vệ quyền của họ, mà không cần phải chuyển vào khu vực kinh tế chính thức.
HỒNG PHÚC - P.PHƯƠNG