“Dẹp loạn” lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép - Kỳ 2: Nhiều khó khăn, vướng mắc
Vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép tồn đọng thời gian dài khiến việc xử lý gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Vi phạm kéo dài, phức tạp
Đến cuối tháng 9.2024, qua họp xét huyện Phù Mỹ đã xử lý 989 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép - tuy số lượng vụ việc xử lý thành công vượt nhiều so với chỉ tiêu tỉnh giao - nhưng theo kế hoạch huyện đưa ra vẫn còn tới 513 trường hợp chưa dứt điểm.
Theo ông Phạm Minh Hiếu, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện, các địa phương thực hiện chậm như Mỹ Thắng, Mỹ Đức, Mỹ Trinh. Riêng Mỹ Thắng còn 78 trường hợp vi phạm chưa hoàn thiện thủ tục gửi UBND huyện họp xử lý.
Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho rằng, tình trạng lấn chiếm đất đai diễn ra từ lâu, rất phức tạp ở nhiều địa phương. Do đó, việc kiểm tra, rà soát, xác minh số lượng đối tượng từng thời điểm, từng loại đất bị lấn chiếm xây dựng công trình theo tinh thần Chỉ thị 05/2023 của UBND tỉnh mất rất nhiều thời gian, công sức. Hơn nữa, nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai chồng chéo, cần thời gian nghiên cứu mới có thể đảm bảo việc xử lý đúng quy định.
Xã Mỹ Thắng còn nhiều trường hợp vi phạm chưa được hoàn thiện thủ tục gửi UBND huyện Phù Mỹ họp xử lý.
- Trong ảnh: Huyện Phù Mỹ tổ chức cưỡng chế trường hợp vi phạm tại Mỹ Thắng. Ảnh: Trung tâm VH-TT-TT huyện Phù Mỹ
Tại TX Hoài Nhơn, hầu hết địa phương đều gặp khó trong việc đo vẽ, thiết lập bản đồ thửa đất từng trường hợp. Ngoài ra, thiếu nhân lực cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ xử lý vi phạm. Đến hết tháng 9.2024, phường Hoài Thanh mới xử lý xong 79/170 trường hợp; xã Hoài Hải xử lý 25/120 trường hợp… Khó khăn, vướng mắc lớn nhất là công tác đo đạc thực địa, lập bản đồ địa chính đối với từng thửa đất lấn chiếm còn chậm. Bởi, cán bộ đo đạc của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TX Hoài Nhơn ít; trong khi 17/17 xã, phường đều có nhu cầu đo đạc, xác lập bản đồ để có thể hoàn thành xử lý vi phạm. Ngoài ra, không ít hộ dân không tự giác chấp hành kê khai đất sử dụng lấn chiếm.
Ông Nguyễn Ngọc Giáo, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Tuy Phước thông tin, huyện xây dựng kế hoạch xử lý 987 trường hợp vi phạm. Đến hết tháng 9.2023, tổ công tác của huyện đã họp xét 465/987 trường hợp vi phạm (47,11%) tại 6 địa phương: Thị trấn Diêu Trì, thị trấn Tuy Phước, các xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Hiệp, Phước Hưng. 7 địa phương còn lại với 889 trường hợp đang rà soát, kiểm tra hồ sơ tiếp tục họp xét.
Công tác xác định vi phạm gặp khó
Đánh giá của tỉnh tại hội nghị về tình hình KT-XH 9 tháng năm 2024 cho thấy, toàn tỉnh đã xử lý 8.348 trường hợp lấn chiếm đất đai, đạt 87,9% chỉ tiêu. Trong đó: Quy Nhơn 1.452/1.715 trường hợp (84,7%); An Nhơn 1.084/1.050 trường hợp (103,2%); Hoài Nhơn 1.581/1.983 trường hợp (79,7%); Phù Cát 943/1.790 trường hợp (52,7%); Phù Mỹ 1.012/81 trường hợp (1.249%); Hoài Ân 535/800 trường hợp (66,9%); Vĩnh Thạnh 320/408 trường hợp (78,4%); Tuy Phước 716/778 trường hợp (92,03%); Tây Sơn 577/691 trường hợp (83,5%); Vân Canh 135/192 trường hợp (70,3%); An Lão 16/13 trường hợp (133,3%).
Lý giải khó khăn, ông Phan Thế Khoa, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận (Tuy Phước), nói: Đa số trường hợp vi phạm trên địa bàn đều thuộc khu vực ven đê, đầm, bờ nuôi trồng thủy sản. Việc xác định nguồn gốc sử dụng đất và thời điểm vi phạm mất rất nhiều thời gian để đảm bảo chính xác. Mặt khác, địa phương nằm trong quy hoạch các dự án, công trình lớn của tỉnh nên cán bộ chuyên môn phải “phân thân”, vừa làm nhiệm vụ rà soát, xử lý lấn chiếm đất đai vừa phối hợp các ngành chức năng liên quan xác định nguồn gốc đất để phục vụ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án.
Huyện Phù Mỹ cho rằng, theo Luật Đất đai 2013, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, Phòng TN&MT huyện chỉ thẩm định hồ sơ, nhưng Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 101/2024 của Chính phủ quy định nhiệm vụ đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu do Phòng TN&MT thực hiện. “Khối lượng công việc rất lớn, trong khi tỉnh chưa bổ sung được biên chế, nên công tác xử lý lấn chiếm đất đai càng khó khăn hơn”, ông Hiếu chia sẻ.
Đến hết tháng 9.2024, huyện Phù Cát đã xét duyệt xong 1.790 trường hợp. Trong số này, 539 trường hợp cho tồn tại, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 396 trường hợp tạm sử dụng; 523 trường hợp không thuộc kế hoạch xử lý (lấn chiếm đất màu, chợ…); 194 trường hợp vướng mắc đang xin ý kiến Ban chỉ đạo tỉnh. Cùng với khó khăn như các địa phương khác, tại Phù Cát còn vướng quy hoạch Khu kinh tế Nhơn Hội, việc xử lý vi phạm tại thị trấn Cát Tiến và xã Cát Khánh gặp khó khăn.
Trong đó, thị trấn Cát Tiến là địa bàn “nóng” nhất, nhưng việc xử lý vi phạm lại chậm nhất huyện Phù Cát. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Ngọc Thạch cho hay, theo quy định không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không cho tách thửa nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Nhơn Hội, 15 năm nay không có trường hợp nào ở địa bàn được thực hiện tách thửa sử dụng đất. Đến giữa năm nay, địa phương đã hoàn tất xét duyệt 448 trường hợp vi phạm (40 trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạm cho sử dụng 199 trường hợp, cưỡng chế tháo dỡ 52 trường hợp, còn 157 trường hợp vướng chờ hướng dẫn xử lý). Địa phương ưu tiên triển khai lập hồ sơ các trường hợp đủ điều kiện cho tồn tại, đề nghị huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hai khu phố Chánh Đạt, Trường Thạnh. Riêng 52 hộ vi phạm diện phải tháo dỡ nhà nằm dọc đê sông Tân Tiến, có 40 hộ không có nhà ở nào khác cần phải tìm quỹ đất để bố trí tái định cư. Đây cũng là cái khó trong quá trình xử lý vi phạm.
Lãnh đạo UBND thị trấn Cát Tiến (Phù Cát) và cán bộ địa chính trao đổi về trường hợp cần xác định vi phạm lấn chiếm. Ảnh: M.H
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Phạm Dũng Luận thông tin thêm, hiện phát sinh khó khăn trong xử lý ở thời điểm giao thoa giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024. Huyện đã báo cáo tỉnh xin ý kiến chỉ đạo, chờ hướng dẫn thực hiện. Vấn đề khó còn nằm ở việc người dân lấn chiếm thuộc diện phải tháo dỡ nhưng giờ không có nơi ở thì địa phương phải bố trí quỹ đất tái định cư. Đây cũng là trăn trở của địa phương!
Công tác xử lý lấn chiếm đất đai tại các địa phương gặp khó khăn, vướng mắc do lực lượng cán bộ ở cấp xã còn mỏng; nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa hiểu rõ quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Tình trạng hồ sơ địa chính cũ và lạc hậu chưa được hiện đại hóa đồng bộ; nhiều biến động đất đai chưa được cập nhật kịp thời; việc xác định nguồn gốc sử dụng đất một số trường hợp bị vướng hồ sơ pháp lý.
Thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn thực hiện công tác xử lý lấn chiếm đất đai.
Bên cạnh đó, các địa phương phải tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch xử lý dứt điểm vi phạm theo kế hoạch tỉnh giao; phối hợp chặt chẽ với hội, đoàn thể tại địa bàn giám sát kết quả thực hiện đảm bảo công khai, tuân thủ pháp luật và không để xảy ra đơn thư khiếu kiện. Cấp xã cần tiếp tục kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra vi phạm mới. Quan trọng nhất là quá trình giải quyết phải công khai, minh bạch, niêm yết hồ sơ cho dân giám sát!
Phó Giám đốc Sở TN&MT Trần Kỳ Quang
MAI HOÀNG - TIẾN SỸ - VĂN LỰC
Kỳ cuối: Xử lý nhanh, tránh phát sinh mới