Trong cuốn sách cuộc đời
Tập Thơ ngày tháng cũ của Trần Xuân Toàn (giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn, nhà Nghiên cứu văn hóa Dân gian Việt Nam) được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2024 có 43 bài thơ đủ các thể loại; bao hàm những khoảnh khắc yêu thương, lưu dấu ấn kỷ niệm. Đây là tập thơ thứ 2 của anh, sau Miền thương xuất bản năm 2000. Quý nhất vẫn là cái tình của Trần Xuân Toàn thấp thoáng neo vào lòng bạn đọc về tuổi thơ bên người thân, bên bạn bè. Thơ anh chân chất, mộc mạc, trong veo, hồn nhiên: “Tôi chẳng có cây đa đầu làng, chẳng quen con diều giấy/ Cả những chú dế mèn rả rích giữa đêm thâu/ Tôi nhìn đâu cũng một chiều vàng như màu lá úa/ Để mỗi mùa thu qua, và mỗi một thu qua…” (Sinh nhật), hay thâm trầm lắng đọng: “Và tôi hiểu, vâng, sau hai mươi năm tìm kiếm/ Điều đó bỗng hiện ra trong cuốn - sách - cuộc - đời!”.
Biên độ kết nối yêu thương là mối dây ràng buộc từ trong gia đình và mối quan hệ cộng đồng: “Tôi chợt hiểu, với những ai thoáng đạt/ Với những ai biết sống, hết lòng yêu/ Sống cho người mới đồng cảm với hoa/ Tươi trẻ cũng là hoa, nhân hậu cũng vì hoa!” (Tản mạn về hoa).
Không gian đất nước trong Thơ ngày tháng cũ hiện về thật mới mẻ và đầy ý nghĩa, theo từng tứ thơ: Từ Dốc Thẩm Mã đến Phiên chợ vùng cao Đồng Văn, hay lúc Đợi phà trên bến Sông Gianh, hay từ một góc nhìn Những người đàn bà Mông đi sau lưng ngựa, hay cái nhớ lúc Đi qua Vị Xuyên… Đâu chỉ là điểm xuyết vẻ đẹp văn hóa lịch sử vùng miền, mà còn nhen nhóm lay động tình người với lòng biết ơn sâu đậm về quá khứ biết khép lại, gìn giữ: “Nước Hồ Gươm đã thay chưa?/ Rùa vàng chuyện cũ chắc thưa tấm lòng?/ Sớm chiều mưa nắng nhớ mong…/ Lá vàng là chuyện rêu phong thuở nào!” (Có nhớ, Hà Nội vào thu).
Bởi nguyên gốc thơ là con đẻ của cảm xúc, đầy ý nhị, đối sánh thanh lọc sự tồn tại để nuôi dưỡng tinh thần, nên có thể nói khi càng tìm thấy sự đồng cảm nơi người đọc thì Thơ ngày tháng cũ của Trần Xuân Toàn lại có thêm một đời sống khác, có thể gọi đó là một phiên bản khác của độc giả khi tiếp nhận tác phẩm. Và đó cũng là một chiều kích thành công khác của Trần Xuân Toàn.
NGUYỄN THỊ PHỤNG