NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÁI PHÉP TRÊN ĐẦM THỊ NẠI:
Cần xử lý kiên quyết, triệt để
Thời gian qua, hàng chục hộ dân các thôn Lộc Hạ, Nhân Ân, Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) cắm cọc, quây lưới, dựng chòi, thả bè trái phép để nuôi hàu, vẹm xanh trên đầm Thị Nại. Việc này gây ô nhiễm môi trường, cản trở dòng chảy, mất an toàn cho tàu thuyền ra vào đầm.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương không xử lý, gây ảnh hưởng lớn đến việc khai thác thủy sản và việc di chuyển của tàu thuyền, đặc biệt vào mùa mưa lũ.
Ông Nguyễn Quang Linh, ở thôn Lộc Hạ, cho biết: “Các trụ bê tông, cọc tre cắm giữa đầm khiến tàu cá không thể đánh bắt tôm, cá ở khu vực này. Trước đây, có khoảng 20 tàu cá thường xuyên đánh bắt ở đây, nhưng từ khi bị một số hộ giăng cọc tre, khu vực này gần như không có tàu cá nào qua lại được nữa”.
Lòng đầm bị chiếm khiến cuộc sống của nhiều hộ dân ven đầm gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Bắc (thôn Nhân Ân) than vãn: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu mưu sinh bằng nghề chài lưới, đục hàu nhưng mấy năm nay, do đầm bị một số hộ độc chiếm nên phải chuyển sang làm nghề thợ xây dựng. Trước đây, có khoảng 40 hộ làm nghề đục hàu, nhưng hiện chỉ còn hơn 10 hộ vì phần lớn diện tích mặt nước bị giăng cọc để dụ hàu khiến các bãi hàu đang ngày càng bị thu hẹp, sinh kế của nhiều người khác bị ảnh hưởng.
Người dân thả bè trái phép để nuôi hàu, vẹm xanh trên đầm Thị Nại qua địa bàn thôn Nhân Ân. Ảnh: VĂN LƯU
Còn bà Nguyễn Thị Lan (thôn Bình Thái) cho biết: Nhận thấy hàu thường bám trên các khối đá ven sông nên nhiều người đã tự đổ trụ bê tông chôn giữa đầm để dụ hàu bám vào. Thấy hiệu quả kinh tế cao nên các hộ khác cũng đem cọc ra khu vực giữa đầm để chôn khoanh vùng, lâu dần chiếm luôn cả lòng đầm. Hàng chục bè nuôi hàu, nuôi vẹm xanh được người dân đóng cọc tre thả dày đặc trên mặt nước. Lúc triều xuống, trên mặt nước lộ ra bãi cọc tre nuôi hàu nhô lên như bãi chông. Khi triều dâng, những chiếc cọc này chìm trong nước, trở thành cái “bẫy” đối với tàu thuyền, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Không ít tàu thuyền đã bị gãy chân vịt, thậm chí bị thủng đáy thuyền do va đập mạnh vào các trụ bê tông. Tàu thuyền đánh bắt tôm, cá quanh khu vực này đều gặp khó vì trụ bê tông, cọc tre cứ dựng đứng như bẫy chờ sẵn, sản lượng đánh bắt các loại hải sản vì thế cũng giảm mạnh.
Cũng theo bà Lan, trước đây, mỗi ngày, bà kiếm được được gần 300 nghìn đồng từ công việc đục hàu, còn bây giờ chỉ được 60.000 đồng/ngày. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh thực trạng này và yêu cầu chính quyền xã có biện pháp ngăn chặn, xóa bỏ dứt điểm. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa mạnh tay, không buộc tháo dỡ số cọc đóng giữa lòng đầm, mà chỉ nhắc nhở.
Ông Phan Thế Khoa, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 220 lồng bè với diện tích gần 5 ha mặt nước mà người dân cắm cọc, quây lưới, dựng chòi, kết lồng bè nuôi hàu, vẹm xanh. Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm nay, địa phương cũng đã nhắc nhở, nghiêm cấm. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn cố tình vi phạm, tranh thủ ban đêm hoặc ngày nghỉ để tiến hành đóng cọc mở rộng phạm vi nuôi. Hiện xã đã xác lập được 27 trường hợp vi phạm hành chính và tiến hành đối thoại, vận động người dân chấp hành tháo dỡ. Trong đó, có 3 trường hợp không chấp hành. Do đó, xã sẽ kiên quyết xử lý, hiện đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính và tổ chức cưỡng chế theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo tổ công tác giám sát chặt, không để người dân mở rộng thêm diện tích nuôi.
VĂN LƯU