Chính sách về nhà ở xã hội cho lực lượng sĩ quan quân đội phải có tính thống nhất, đồng bộ và khả thi
(BĐ) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 5.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Tham gia tranh luận với một số đại biểu (ĐB) cho rằng quy định về khoản 13 liên quan bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 47 của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam về việc bố trí quỹ đất bàn giao cho Bộ Quốc phòng để phát triển nhà ở xã hội cho quân đội, phù hợp với nhu cầu Bộ Quốc phòng và khả năng của từng địa phương là phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, tuy nhiên, ĐB Đồng Ngọc Ba (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng các chính sách phải có tính thống nhất, đồng bộ và khả thi.
ĐB Đồng Ngọc Ba phát biểu tranh luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Ba, hiện nay, trong Luật Nhà ở đã có tính toán rất kỹ chính sách về nhà ở cho LLVT nhân dân nói chung; đồng thời đã có những quy định về bố trí quỹ đất, về vấn đề nguồn vốn đầu tư và triển khai thực hiện. Và LLVT nhân dân trong đó có sĩ quan nếu có khó khăn về nhà ở thì có thể lựa chọn mua nhà ở xã hội thông thường hoặc mua nhà ở xã hội LLVT nhân dân, rất thuận lợi. Và quy định đó thì hiện nay còn đang rất mới mà chưa có đánh giá và cũng cần có thời gian.
Còn quy định trong dự thảo của Luật hiện nay, thứ nhất là bố trí quỹ đất này là theo Luật Nhà ở trong quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, thứ hai nếu UBND cấp tỉnh bàn giao cho Bộ Quốc phòng thì việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ như thế nào. Ví dụ chúng ta có 3 loại nguồn vốn để đầu tư cho nhà ở xã hội, gồm vốn đầu tư công, vốn Nhà nước không phải vốn đầu tư công và vốn của các thành phần khác. “Với 3 loại nguồn vốn ấy thì trình tự thủ tục, cách thức lựa chọn nhà đầu tư thì khác nhau và sẽ xung đột với quy định của Luật Nhà ở, Luật Đầu tư công và các quy định liên quan”, ĐB Ba nói.
Nguồn: BTV
Một điểm nữa mà ĐB Ba đề nghị phải có đánh giá toàn diện là tại khoản 7, Điều 31 quy định về phụ cấp nhà ở cho sĩ quan. Tuy nhiên, trong báo cáo nói là vì không có hướng dẫn nên không thực hiện được. ĐB Ba đề nghị phải có đánh giá về thực hiện phụ cấp quy định nhà ở cho sĩ quan và đặt trong bối cảnh chung là thực hiện chính sách về nhà ở để có giải pháp đồng bộ.
NGUYỄN HÂN - P.PHƯƠNG