“Dẹp loạn” lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép - Kỳ cuối: Xử lý nhanh, tránh phát sinh mới
Tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép gây trở ngại trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH và ANTT trên địa bàn. Không chỉ kiên quyết xử lý nạn lấn chiếm, xây dựng trái phép bằng cách xử lý nhanh, tỉnh Bình Ðịnh còn nỗ lực để tránh phát sinh trường hợp vi phạm mới.
Phát hiện nhanh, xử lý “nóng”
Quy Nhơn là địa phương đầu tiên của tỉnh áp dụng xử lý nhanh vi phạm trong 48 giờ, theo Văn bản 711/UBND-TH của UBND thành phố. Riêng 9 tháng năm 2024, 177/181 trường hợp vi phạm đã được phường, xã xử lý nhanh theo diện này.
UBND TP Quy Nhơn ký cam kết trách nhiệm với phường, xã và đơn vị trong chống lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Ảnh: M.H
Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam đánh giá, văn bản 711 là cơ chế xử lý nhanh rất hiệu quả. Tháng 9.2024, thành phố cũng đã ký cam kết trách nhiệm với các địa phương và đơn vị, phòng ban trực thuộc, quy định rõ trách nhiệm chủ tịch UBND phường, xã và thủ trưởng các đơn vị; đình chỉ nhiệm vụ 15 ngày để xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu buông lỏng để xảy ra vi phạm, tái vi phạm mà không có biện pháp ngăn chặn, nhất là xử lý nhanh theo 711.
“Vi phạm không được phát hiện kịp thời chính là nguyên nhân dẫn đến phức tạp trong xử lý. Tổ công tác thành phố chia thành các nhóm phụ trách địa bàn phường. UBND cấp xã, người đứng đầu phải có trách nhiệm phát hiện vi phạm trên địa bàn. Mọi thông tin vi phạm đều được báo cáo nhanh, để tránh vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, có khi người ta đã xây xong cả cái nhà rồi, rất khó xử lý!”, ông Nam nhấn mạnh.
Tương tự, ông Trần Đinh, Trưởng phòng TN&MT TX Hoài Nhơn, cho biết, thị xã đặt mục tiêu quan trọng là phải ngăn chặn vi phạm mới, trường hợp vi phạm phải được phát hiện, xử lý trong ngày. Đây là cơ sở để xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu tại xã, phường.
Với kế hoạch xử lý của tỉnh, hiện các huyện, thị xã cũng vận dụng xử lý nóng vi phạm trong ngày. Khi cơ sở báo lên thì việc xử lý ngay lập tức được áp dụng. Vì vậy trong bối cảnh đó, việc tại xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) xuất hiện mới 44 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép được xem là diễn biến phức tạp. Tháng 9.2024, UBND huyện đã ra quân cưỡng chế tháo dỡ 10 trường hợp vi phạm; qua tuyên truyền, vận động, đã có 22 trường hợp tự tháo dỡ công trình vi phạm, còn 17 trường hợp chưa tháo dỡ và 5 trường hợp tháo dỡ một phần.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng Huỳnh Văn Khương cho hay: Xã phối hợp với Phòng TN&MT huyện rà soát, xác định kết quả xử lý và chưa xử lý, các vấn đề liên quan cụ thể về nhu cầu nhà ở của các hộ vi phạm để tham mưu cho UBND huyện có định hướng xử lý. Ngày 20.9, xã mời 20 hộ có nhu cầu về đất ở để làm việc, thông báo các quyết định của UBND huyện về xử lý cưỡng chế tháo dỡ công trình và nói rõ chính sách đất đai khi bị cưỡng chế tháo dỡ và tự nguyện tháo dỡ thu hồi đất…
Phát huy vai trò “tai mắt” ở cơ sở
Đến nay, nhiều địa phương đã phát huy tốt vai trò của lực lượng từ cơ sở trong phát hiện, xử lý vi phạm. Xã Cát Khánh (Phù Cát) đã xử lý 195 trường hợp vi phạm theo chỉ tiêu giao, không có trường hợp thuộc diện cưỡng chế tháo dỡ. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trung Hiếu nói rằng, từ năm 2021 - 2022 xã từng rất khó khăn với nạn “đường mở đến đâu, lấn chiếm đến đó”, khi tuyến ven biển ĐT 639 đoạn qua địa bàn xã được xây dựng thì lập tức có đến 42 trường hợp vi phạm, đến tháng 3.2023 địa phương mới giải quyết xong.
“Đây là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục và quyết liệt, đồng bộ, yêu cầu trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cấp xã, khu phố. Đặc biệt, vai trò của phường, xã và thôn, khu phố càng được phát huy thì càng nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở. Gì thì gì, ở cơ sở là quan trọng nhất, “tai mắt” là từ cơ sở”!
Ông ĐẶNG MẠNH CƯỜNG - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Quy Nhơn
“TX Hoài Nhơn chú trọng công tác tuyên truyền người dân thực hiện đúng các quy định pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng. Các xã, phường vận động, kêu gọi người dân “nói không với lấn chiếm đất đai”, để hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không còn tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép”.
Ông NGUYỄN CHÍ CÔNG, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn
“Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, địa phương đã huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, phát huy vai trò đảng viên, người dân. Địa bàn nào để xảy ra vi phạm mà không phát hiện, báo cáo kịp thời để lực lượng của xã phát hiện thì bí thư chi bộ và trưởng thôn địa bàn đó bị kiểm điểm. Trên cơ sở đó, thôn giao nhiệm vụ cho đoàn thể, đặc biệt phát huy vai trò đảng viên ở cơ sở”, ông Hiếu chia sẻ.
Từ cách làm này, đầu năm nay, xã Cát Khánh kịp thời phát hiện ông N.L.M (thôn Thắng Kiên) lấn chiếm khoảng 30 m2 đất nông nghiệp. Địa phương đã nhanh chóng xử lý, vận động ông M. tháo dỡ. Ông Nguyễn Lợi, Bí thư Chi bộ thôn Thắng Kiên, cho biết: Chi bộ có 40 đảng viên, mỗi đảng viên phụ trách 20 hộ dân. Bí thư chi bộ, trưởng thôn, lực lượng quân dân chính liên tục tuần tra, kiểm tra địa bàn ít nhất 1 lượt/ngày.
Còn ông Đoàn Văn Điệp- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Quang (Tuy Phước), nhận định, ban nhân dân các thôn là “cánh tay” nối dài của xã trong phát hiện, ngăn chặn vi phạm. Nhờ đó, năm nay xã đã kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ đầu 7 trường hợp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Phạm Dũng Luận cũng khẳng định, công việc này không được làm theo phong trào, phải rất kiên trì, bền bỉ. Đối tượng luôn chờ sự quản lý lơi lỏng để vi phạm. Có đối tượng cưỡng chế lần 2, lần 3, một thời gian sau họ lại vi phạm. Nguyên nhân là do lợi ích vật chất từ những vi phạm trong lĩnh vực này mang lại là không nhỏ.
Thực hiện nghiêm, công khai, minh bạch, công bằng
Ngày 17.10.2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã có ý kiến chỉ đạo về công tác xử lý lấn, chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh và quyết định 2359/QĐ-UBND về xử lý lấn chiếm đất đai.
Trong đó, yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đất đai, xây dựng; xử lý/giải quyết phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng. Rà soát và thực hiện nghiêm tất cả quy hoạch (nhất là quy hoạch đất ở), kịp thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định; tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở ổn định.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng của huyện và UBND cấp xã trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tổ chức rà soát, giải quyết kịp thời việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người dân. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan chậm trễ trong thực hiện kế hoạch xử lý lấn chiếm đất đai; thông báo công khai các nội dung xử lý lấn chiếm tại địa phương để nhân dân biết, theo dõi, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch.
Sở TN&MT theo dõi, chủ động hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý vướng mắc trong lĩnh vực đất đai theo quy định pháp luật; chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh phối hợp chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…
MAI HOÀNG - TIẾN SỸ - VĂN LỰC