AidData công bố dữ liệu về viện trợ bí mật của Trung Quốc cho châu Phi
Theo một báo cáo vừa được các chuyên gia Mỹ công bố, Trung Quốc cam kết chi 75 tỉ USD cho các dự án viện trợ và phát triển tại châu Phi trong 10 năm qua, nhằm đảm bảo giữ vững những ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của Bắc Kinh tại lục địa này.
Chính phủ Trung Quốc thường công khai rất ít thông tin về các hoạt động viện trợ nước ngoài của nước này và xem đây như là những bí mật quốc gia. Trong một nghiên cứu được coi là tham vọng nhất từ trước đến nay nhằm tìm hiểu bí mật này, sau 18 tháng thu thập và xử lý hàng ngàn thông tin, các nhà nghiên cứu Mỹ tại Viện AidData thuộc trường cao đẳng William and Mary công bố một cơ sở dữ liệu lớn nhất về hỗ trợ tài chính của Trung Quốc tại châu Phi, trong đó nêu chi tiết gần 1.700 dự án tại 50 quốc gia từ năm 2000-2011.
Theo đó, các cam kết tài chính của Trung Quốc cho châu Phi lớn hơn nhiều so với những ước tính trước đó về khả năng tài chính dành cho phát triển của quốc gia này mặc dù vẫn ít hơn so cam kết trị giá 90 tỉ USD của Mỹ cũng trong giai đoạn trên.
Cơ sở dữ liệu này cho thấy Trung Quốc đầu tư vào một số dự án khai thác mỏ, còn lại dành một số tiền lớn cho các sáng kiến về vận tải, dự trữ và năng lượng. Ngoài ra, dữ liệu này cũng nêu chi tiết việc Trung Quốc đổ hàng trăm triệu USD vào các dự án y tế, giáo dục và văn hóa như thế nào.
Tại Liberia, Trung Quốc chi hàng triệu USD cho việc lắp đặt các tín hiệu đèn giao thông sử dụng năng lượng mặt trời ở Monrovia và tài trợ cho một trung tâm phòng chống bệnh sốt rét; còn ở Mozambique, Trung Quốc đầu tư cho nhiều dự án khác nhau, trong đó có Trường Nghệ thuật Thị giác Quốc gia ở Maputo. Bắc Kinh cũng bắt tay xây dựng một nhà hát trị giá nhiều triệu USD có sức chứa 1.400 chỗ ngồi ở vùng ngoại ô Ouled Fayet ở phía tây Algeria.
Về vấn đề con người, Trung Quốc đã đưa hàng ngàn bác sĩ và giáo viên đến làm việc tại châu Phi, đồng thời chào đón nhiều sinh viên đến học tại Trung Quốc hay tham gia các lớp tiếng Trung tại nước ngoài và thiết lập một mạng lưới các sân thể thao và phòng hòa nhạc trên khắp lục địa này.
Theo chuyên gia Vijaya Ramachandran, thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu và đồng tác giả báo cáo này, từ trước đến nay mọi người thường nói đến Trung Quốc như là một quốc gia có tham vọng không đáy về nguồn tài nguyên, nhưng các dữ liệu này còn cho thấy rằng có thể còn nhiều điều khác đang diễn ra.
Theo một số chuyên gia, các dự án phát triển của Bắc Kinh tại châu Phi, từ cơ sở hạ tầng cho đến hỗ trợ y tế, cũng là một phần của chiến lược ngoại giao nhằm xây dựng thiện chí và sự ủng hộ của quốc tế cho tương lai.
Các dự án phát triển mới của Trung Quốc thường được công bố trong các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo nước này; tuy nhiên, nhiều dự án trong số đó chỉ là những cam kết có tính nghi thức. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra bằng chứng cho thấy gần 1.000 dự án có giá trị tổng cộng 48,6 tỉ USD đang được thực hiện hoặc hoàn tất, trong khi số còn lại hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị hoặc sẽ không bao giờ được triển khai.
Theo giáo sư Stephen Chan, thuộc Học viện Nghiên cứu châu Phi và phương Đông, nhiều dự án thể thao và văn hóa của Trung Quốc tại châu Phi chỉ nhằm giành được sự ủng hộ của chính phủ như là một sự hạ giá cho các dự án thương mại trong tương lai của nước này tại đây. Tuy nhiên, ông Chan bác bỏ ý kiến cho rằng Trung Quốc đang có một chiến lược bậc thầy tại châu Phi vì, theo ông, châu Phi có 54 quốc gia và không phải tất cả đều giống nhau.
Giám đốc chương trình phát triển quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins Deborah Bräutigam cho rằng sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng tất cả viện trợ của Trung Quốc cho châu Phi đều là vì tài nguyên thiên nhiên. “Có nhiều lý do để các nước viện trợ cho nước khác và Trung Quốc không phải là ngoại lệ” – bà Bräutigam nói.
Chẳng hạn như các chương trình giáo dục và đào tạo của Trung Quốc nhắm đến sinh viên trên toàn châu Phi. “Những chương trình này đều vì ngoại giao, vì quyền lực mềm,... giống như các chương trình của Alliance Française (Pháp) và Hội đồng Anh...Tất cả là nhằm nói lên rằng Trung Quốc là một nước có tầm quan trọng trên toàn cầu. Tất cả các nước đều làm như vậy” - bà Bräutigam nói.
Các chương trình khác có thể liên quan đến chương trình thương mại của Trung Quốc. Theo chuyên gia Yanzhong Huang, thuộc Hội đồng Đối ngoại (CFR), các nhóm chuyên gia y tế Trung Quốc đã làm việc tại châu Phi từ năm 1963, nhưng gần đây mục tiêu của họ còn mở rộng sang lĩnh vực dược phẩm Trung Quốc, như các loại thuốc chống sốt rét. Ông cho rằng sự kết hợp về lợi ích kinh tế và nhu cầu mở rộng ảnh hưởng chính trị cũng như cải thiện hình ảnh quốc tế của Trung Quốc đang thúc đẩy nước này viện trợ y tế cho châu Phi.
Bắc Kinh cũng tìm cách cải thiện hình ảnh của nước này tại châu Phi bằng cách tài trợ cho việc mở rộng các chi nhánh truyền thông Trung Quốc tại đây, nhằm chống lại những hình ảnh tiêu cực của Trung Quốc. Đây là một phần rõ ràng của chính sách châu Phi của Trung Quốc, vốn được công khai hồi năm 2006, trong đó khuyến khích việc trao đổi và hợp tác giữa các cơ quan truyền thông châu Phi và Trung Quốc, để “tăng cường hiểu biết chung”.
Cơ sở dữ liệu của các nhà nghiên cứu Mỹ còn đề cập đến các dự án của Trung Quốc trong đào tạo nhà báo tại Angola và Zimbabwe cũng như chương trình trao đổi dành cho nhà báo tại Trung Quốc và Ghana. Báo cáo này cũng bao gồm thông tin về các dự án được Trung Quốc hậu thuẫn tại các nước châu Phi, ngoại trừ 4 nước vẫn duy trì quan hệ với Đài Loan là Burkina Faso, Gambia, Sao Tome và Principe và Swaziland.
Tuy nhiên, năm ngoái, giáo sư Joseph Nye thuộc Đại học Harvard, cha đẻ của thuật ngữ “quyền lực mềm”, cho rằng Trung Quốc sẽ khó thu lại được lợi ích từ các khoản đầu tư này nếu như nước này không nới lỏng việc kiểm soát thông tin.
“Các nước lớn cố gắng sử dụng văn hóa để tạo ra quyền lực mềm nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia nhưng điều này không phải là dễ dàng gì khi thông điệp đó lại không nhất quán với thực tế trong nước. Trong thời đại công nghệ thông tin, khi mà sự tín nhiệm là điều quý giá nhất, thì biện pháp tuyên truyền hiệu quả nhất là không tuyên truyền” – ông Nye nói.
Lê Quảng (theo Guardian, Reuters)