Học nghề là một lựa chọn đáng lưu ý
Ở độ tuổi trưởng thành, đã có một hành trình nghề nghiệp với không ít kinh nghiệm tích lũy qua thời gian, nhiều người vẫn chọn quay trở lại với giáo dục nghề nghiệp, nhằm cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng hoặc thậm chí thay đổi hoàn toàn con đường tương lai của mình.
Từ chuyện của anh Thức
Sau tốt nghiệp bậc THPT, anh Từ Vương Thức (30 tuổi, ở thôn Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh) thi đậu vào ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường ĐH Quy Nhơn. Chọn ngành vì độ “hot” của ngành ở thời điểm ấy, anh Thức “vỡ mộng” sau năm học đầu tiên vì nhận thấy mình không hợp nghề. Anh chia sẻ với cha mẹ về việc xin chuyển ngành nhưng được cha mẹ động viên tiếp tục cố gắng. Theo lời khuyên của gia đình, anh cũng nỗ lực học tập đến năm tư đại học nhưng tình trạng nợ môn ngày một nhiều. Suy nghĩ, đắn đo nhiều lần, anh quyết định nghỉ học.
“Giai đoạn sau đó, từ cuối năm 2016 đến năm 2017, tôi luôn trong trạng thái trống rỗng, vô định, nản chí. Cho đến khi, tôi xem được một bộ phim Nhật Bản có tên Dáng hình thanh âm và được khơi gợi lại nhiều điều ý nghĩa, vực dậy tinh thần. Thông qua sự giới thiệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định, tôi đã có 8 tháng học tiếng Nhật và giáo dục định hướng tại Công ty CP Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (SULECO) tại TP Hồ Chí Minh và đậu đơn hàng về nghề tiện CNC ngay lần phỏng vấn đầu tiên”, anh Thức kể.
4 năm đi làm việc tại Nhật Bản, anh Thức tích lũy một số tiền tương đối để gửi tiết kiệm. Áp lực công việc, nỗi nhớ nhà thôi thúc anh quay trở về quê sau khi kết thúc hợp đồng lao động vào cuối năm 2022. Trăn trở về con đường tiếp theo sau khi về nước, anh Thức đã lựa chọn nghề chăn nuôi thú y (thuộc Khoa Kỹ thuật nông nghiệp, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), chọn quay trở lại với giảng đường một lần nữa. Anh lý giải: “Lựa chọn lần này xuất phát từ niềm yêu thích, sự gắn bó thuở nhỏ. Tôi sinh ra trong một gia đình chăn nuôi gà, heo; đã nhiều lần phụ mẹ chăm sóc vật nuôi, đỡ đẻ cho heo…”.
Anh Từ Vương Thức với công việc chăm sóc vật nuôi tại trại thực hành của Khoa Kỹ thuật nông nghiệp Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn. Ảnh: N.M
Nhập học từ tháng 9.2023, anh Thức được giáo viên chủ nhiệm tin tưởng giao trọng trách là lớp trưởng, quán xuyến việc của lớp và tham gia điều phối việc của khu trại thực hành chăn nuôi thú y. Hiện trại thực hành chăn nuôi đang có gần 600 con gà, 4 con bò và heo, mèo, chó. Ngoài các buổi thực hành theo lịch học, các thành viên của lớp anh Thức còn phụ trách việc chăm sóc, cho ăn, theo dõi dấu hiệu bệnh… của các động vật.
Nghiêm túc, cẩn trọng, siêng năng với việc học tại trường, các đợt đi thực tế tại DN trong lĩnh vực chăn nuôi, anh Thức xác định bản thân mình sẽ nỗ lực nâng cao tay nghề, phấn đấu đạt kết quả tốt nghiệp xuất sắc. Sau đó sẽ đi làm việc tại các DN để tích lũy kinh nghiệm, tiến đến đủ khả năng mở trang trại nuôi heo tại quê nhà. “Tôi đi học khi bạn bè đồng lứa đã ổn định công việc, có gia đình nhỏ. Sự khác biệt này làm tôi thêm quyết tâm, nỗ lực để khẳng định rằng lựa chọn của mình là đúng đắn và mình có trách nhiệm với nó”, anh Thức nói.
Trở thành sinh viên ở tuổi 41
Ở tuổi 41, anh Lê Trọng Phúc (ở khu phố 4, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) đang là sinh viên năm nhất lớp CĐK18 Cơ điện tử (khoa Điện, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn). Tốt nghiệp ngành cấp thoát nước tại Trường ĐH Xây dựng miền Trung, tỉnh Phú Yên, đang làm việc tại Nhà máy Xử lý nước thải Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), anh Phúc khẳng định việc quay trở lại giảng đường, vừa làm vừa học tập vì mong muốn được nâng cao năng lực, tay nghề, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới tại DN.
“Công nghệ đang thay đổi chóng mặt. Nhiều thiết bị tự động hóa sắp tới sẽ được tích hợp vào quy trình xử lý nước tại nhà máy. Việc học tập một cách bài bản để bắt kịp những thay đổi này là điều cấp thiết. Và rất may mắn khi mà lãnh đạo công ty luôn động viên, tạo điều kiện cho nhân viên được học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng”, anh Phúc nói.
Anh Trần Hữu Huy, giáo viên chủ nhiệm lớp CĐK18 Cơ điện tử cho rằng: Những sinh viên đã có tuổi như anh Trọng Phúc có mục tiêu học tập rõ ràng, thái độ học tập rất chỉn chu, nghiêm túc. Dù phải cân bằng giữa việc học và việc làm, song chắc chắn kết quả học tập của họ sẽ rất nổi bật.
Những sinh viên trưởng thành về độ tuổi như anh Phúc, anh Thức vẫn đang nỗ lực với cơ hội học tập mới để nâng cao giá trị bản thân, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại.
NGUYỄN MUỘI