Hỗ trợ nông dân Lào thâm canh cây bắp
Năm 2023, giữa tỉnh Bình Định và 4 tỉnh Nam Lào (Attapu, Sekong, Champasak, Salavan) đã ký kết văn bản hợp tác giai đoạn 2021 - 2025 trên các lĩnh vực: GD&ĐT, Y tế, Nông nghiệp, KH&CN, VH&TT, Du lịch, Truyền thông, Công Thương…
Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bình Định cử chuyên gia trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi và thú y đến 4 tỉnh Nam Lào hướng dẫn canh tác, chăm sóc, bảo vệ cây trồng; tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản. Đồng thời, tiếp nhận đoàn cán bộ nông nghiệp của 4 tỉnh Nam Lào sang Bình Định trao đổi, học tập kinh nghiệm về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tổ chức tập huấn ngắn hạn và hướng dẫn thực hành thực tế tại các địa điểm phù hợp.
Thực hiện văn bản ký kết đó, tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã cử cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) sang tỉnh Salavan để triển khai xây dựng thực hiện mô hình thâm canh cây bắp với diện tích 5 ha, trong thời gian từ tháng 10.2024 đến tháng 2.2025, với tổng kinh phí thực hiện hơn 287 triệu đồng.
Bàn giao giống, vật tư triển khai mô hình thâm canh cây bắp tại tỉnh Salavan. Ảnh: ĐVCC
Cuối tháng 10, tại tỉnh Salavan, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Salavan tổ chức lễ bàn giao 100 kg bắp giống, 7.500 kg phân hữu cơ vi sinh, 25 kg chế phẩm Trichoderma và các vật tư thiết yếu để hỗ trợ thực hiện mô hình với tổng trị giá hơn 139 triệu đồng. Cán bộ chuyên gia của tỉnh Bình Định sẽ trực tiếp xây dựng kế hoạch triển khai, nội dung tài liệu tập huấn và dịch thuật sang tiếng Lào để dễ dàng trong công tác chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện mô hình. Đồng thời, Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Salavan cũng cử cán bộ để phối hợp chọn địa điểm triển khai, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mô hình chuyển giao thành công tốt đẹp.
Việc tăng cường hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa 2 tỉnh Bình Định và Salavan nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp tỉnh Salavan phát triển, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển các nông sản hàng hóa chủ lực địa phương, qua đó góp phần phát triển bền vững nền nông nghiệp nước bạn Lào.
THÀNH NGUYÊN