Khơi thông chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà
Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Thúc Kham, Phó Giám đốc Sở Công Thương, để làm rõ về tiềm năng và cơ hội phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại Bình Định theo tinh thần Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ vừa được Chính phủ ban hành.
* Ông có thể chia sẻ đôi nét về tình hình phát triển ĐMTMN tại Bình Định hiện nay?
Trước ngày 1.1.2021, hưởng ứng chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, nhiều DN, đơn vị và hộ gia đình ở Bình Định đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN để tự sử dụng và giảm chi phí tiền điện. Những hệ thống này vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nội bộ vừa cho phép bán điện dư cho ngành điện. Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh đã có 2.072 hệ thống ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt khoảng 223 MWp. Để dễ hình dung, con số này gấp 4,46 lần công suất của Nhà máy ĐMT Fujiwara tại Khu Kinh tế Nhơn Hội.
Những năm gần đây, nhu cầu lắp đặt ĐMTMN tại tỉnh không ngừng tăng cao, nhất là trong các hộ gia đình và DN. Ngoài mục đích tự tiêu thụ để giảm chi phí sinh hoạt, các DN còn tận dụng ĐMTMN để cắt giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, các DN có xuất khẩu hàng hóa càng cần đạt các chứng chỉ về năng lượng tái tạo để đáp ứng yêu cầu của các đối tác quốc tế về tiêu chuẩn bền vững và môi trường.
* Vậy Nghị định 135/2024/NĐ-CP có những nội dung chính nào hỗ trợ phát triển ĐMTMN, thưa ông?
Nghị định số 135/2024/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 22.10.2024 là một bước tiến quan trọng nhằm tháo gỡ các rào cản pháp lý cho các dự án ĐMTMN. Nội dung nghị định tập trung vào việc khuyến khích lắp đặt ĐMTMN trên các mái công trình xây dựng như nhà ở, công sở, khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Theo đó, các tổ chức và cá nhân có thể tự sản xuất, tự tiêu thụ mà không phải xin giấy phép hoạt động điện lực nếu không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia hoặc có công suất lắp đặt dưới 100 kW.
Đặc biệt, Nghị định quy định 9 cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN, trong đó có những ưu đãi nổi bật như miễn trừ giấy phép và giới hạn công suất với những hệ thống không đấu nối với lưới điện quốc gia. Các DN có thể mua bán điện trực tiếp từ nguồn điện tái tạo với các khách hàng sử dụng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng rộng rãi ĐMTMN trong sản xuất và sinh hoạt.
Công ty TNHH MTV Công nghệ Ánh Dương (TP Quy Nhơn) đang lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại hộ gia đình. Ảnh: HẢI YẾN
* Điểm mới nào trong Nghị định 135 mà ông cho là đáng chú ý đối với người dân và DN?
Một trong những điểm mới và quan trọng nhất của Nghị định 135 là miễn trừ giấy phép điện lực cho những hệ thống không đấu nối vào lưới điện quốc gia hoặc có công suất lắp đặt dưới 100 kW. Điều này giúp các tổ chức, cá nhân dễ dàng triển khai dự án ĐMTMN mà không phải lo ngại về thủ tục cấp phép phức tạp. Đối với các dự án có quy mô lớn hơn và đấu nối với hệ thống điện quốc gia, Nghị định yêu cầu thực hiện thông báo và đăng ký công suất lắp đặt với Sở Công Thương và đơn vị điện lực địa phương để thuận tiện trong việc quản lý.
Một điểm đáng chú ý khác, là các hệ thống ĐMTMN nếu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia được phép bán lại lượng điện dư thừa với mức không quá 20% công suất lắp đặt thực tế. Mức giá mua điện dư này sẽ được tính theo giá điện thị trường bình quân của năm trước đó, đảm bảo hỗ trợ người lắp đặt ĐMTMN mà vẫn giữ sự cạnh tranh và ổn định của thị trường điện quốc gia.
Ngoài ra, Nghị định cũng giúp đơn giản hóa các yêu cầu về giấy phép xây dựng và kinh doanh cho các hộ gia đình và DN lắp đặt ĐMTMN tự tiêu thụ. DN sản xuất có thể sử dụng ĐMTMN để đạt các chứng nhận quốc tế như I-REC (International Renewable Energy Certificate - Chứng nhận Năng lượng tái tạo quốc tế), nâng cao uy tín và dễ dàng tiếp cận các đối tác nước ngoài.
* Các chính sách mới trong Nghị định 135 sẽ mang lại lợi ích cụ thể gì cho địa phương, thưa ông?
Trước hết, Nghị định tạo điều kiện pháp lý rõ ràng để các tổ chức và cá nhân tự lắp đặt hệ thống ĐMTMN phục vụ nhu cầu sử dụng điện nội bộ, giúp giảm chi phí điện năng và phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, Nghị định còn khuyến khích DN trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, hay DN sản xuất xuất khẩu đầu tư vào ĐMTMN để đạt các tiêu chuẩn quốc tế về năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường, đáp ứng tiêu chí của các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Lắp đặt ĐMTMN cũng sẽ tạo điều kiện cho DN cải thiện lợi thế cạnh tranh nhờ giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị thương hiệu thông qua chứng nhận công trình xanh. Điều này sẽ giúp các DN tại Bình Định dễ dàng đưa sản phẩm vào thị trường quốc tế, nơi tiêu chuẩn về phát triển bền vững và trách nhiệm với môi trường ngày càng cao. Đồng thời, việc khuyến khích phát triển ĐMTMN còn giúp Bình Định tiến gần hơn đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, phù hợp với cam kết quốc gia về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
* Nghị định 135 đã tạo thuận lợi lớn, nhưng việc phát triển ĐMTMN tại Bình Định hiện có gặp phải khó khăn nào không, thưa ông?
Mặc dù Nghị định mới giúp tháo gỡ nhiều rào cản, nhưng vẫn còn một số thách thức. Hiện tại, công suất ĐMTMN theo Quy hoạch điện VIII phân bổ cho Bình Định đến năm 2030 chỉ là 38 MW, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế của các DN và người dân địa phương. Nhu cầu lắp đặt ĐMTMN ngày càng tăng, nhất là khi chi phí lắp đặt giảm dần và hiệu quả kinh tế được chứng minh rõ ràng.
Để giải quyết khó khăn này, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy trình thủ tục rút gọn cho việc lắp đặt ĐMTMN. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện tối đa để các DN và hộ gia đình có thể lắp đặt và vận hành hệ thống ĐMTMN một cách thuận lợi, đúng quy định. Việc rút ngắn quy trình thủ tục sẽ giúp nhiều DN và hộ gia đình có thể nhanh chóng triển khai ĐMTMN, phục vụ nhu cầu tự tiêu thụ và tăng cường hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
* Xin cảm ơn ông!
HẢI YẾN (Thực hiện)