Brazil thả muỗi "tốt" ra môi trường
Các nhà nghiên cứu tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil) vừa thả hàng ngàn con muỗi được chủ ý cho lây nhiễm một loại vi khuẩn có khả năng kiềm chế dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Nhóm khoa học hy vọng những con muỗi được biến đổi gien này sẽ sinh sôi và truyền đặc điểm "tốt" này cho các thế hệ sau; từ đó, giúp khống chế sự lây lan của dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Sáng kiến này là một phần của một chương trình đang được áp dụng tại Việt Nam, Australia và Indonesia.
Vi khuẩn nội bào Wolbachia được cấy vào muỗi thí nghiệm nói trên là loại vi khuẩn không thể lây sang người.
Tại Brazil, chương trình nghiên cứu trên được bắt đầu vào năm 2012. Người đứng đầu dự án tại Brazil, nhà khoa học Luciano Moreira đến từ Viện Nghiên cứu Fiocruz của Brazil, cho biết: "Hàng tuần, chúng tôi đến 4 khu vực tập trung nghiên cứu tại Rio (để bắt muỗi). Sau khi dùng bẫy đặc biệt để bắt muỗi, chúng tôi tiến hành phân tích mẫu. Sự minh bạch và thông tin chính xác đối với các hộ dân là yếu tố được ưu tiên quan tâm".
Hàng chục ngàn con muỗi đã được cấy vi khuẩn Wolbachia sẽ được thả ra hàng tháng trong vòng 4 tháng. Địa điểm thả muỗi đầu tiên là khu vực Tubiacanga, phía Bắc Rio.
Vi khuẩn Wolbachia có ở 60% số loài côn trùng. Nó đóng vai trò giống như một loại vắc-xin đối với muỗi vằn (tên khoa học Aedes Aegypti) gây bệnh sốt xuất huyết Dengue. Nhờ có vi khuẩn Wolbachia, vi rút Dengue không thể sinh sôi trong cơ thể của muỗi.
Vi khuẩn Wolbachia còn ảnh hưởng đến sự sinh sản của muỗi vằn. Nếu muỗi vằn đực bị nhiễm vi khuẩn Wolbachia thụ tinh cho trứng của muỗi vằn cái không nhiễm vi khuẩn thì trứng sẽ không nở thành ấu trùng.
Nếu cả muỗi đực lẫn muỗi cái đều nhiễm vi khuẩn Wolbachia hoặc nếu chỉ có muỗi cái bị nhiễm vi khuẩn này thì tất cả các thế hệ muỗi về sau đều nhiễm Wolbachia.
Kết quả là, số lượng muỗi vằn nhiễm vi khuẩn Wolbachia sẽ lấn át số cá thể muỗi không nhiễm vi khuẩn dù các nhà nghiên cứu không cần phải thả thường xuyên muỗi đã biến đổi gien ra môi trường nữa.
Tại Australia, hoạt động thả muỗi "tốt" ra môi trường diễn ra trung bình 10 tuần.
Nghiên cứu về vi khuẩn Wolbachia bắt đầu được thực hiện tại trường đại học Monash (Australia) vào năm 2008. Các nhà nghiên cứu đã cho muỗi thí nghiệm hút máu của chính mình trong suốt 5 năm vì vào thời điểm đó, người ta vẫn còn lo ngại vi khuẩn Wolbachia có thể ảnh hưởng đến con người và vật nuôi.
Quay lại Brazil, sau Tubiacanga, 3 khu vực dân cư khác sẽ tiếp tục được chọn là nơi thả muỗi vằn đã biến đổi gien. Các nghiên cứu quy mô lớn nhằm đánh giá hiệu quả của chương trình nghiên cứu sẽ được tiến hành vào năm 2016.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue tái xuất hiện tại Brazil vào năm 1981 sau hơn 20 năm vắng bóng.
Trong vòng 30 năm sau đó, Brazil đã ghi nhận 7 triệu trường hợp nhiễm bệnh. Hiện nay, Brazil là nước có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue nhiều nhất thế giới, với 3,2 triệu ca nhiễm và 800 trường hợp tử vong trong giai đoạn từ năm 2009-2014.
Tố Uyên (Theo BBC)