Soi mình cho cuộc nghiệm sinh
Thi sĩ Lê Ân quen thuộc với bạn đọc qua nhiều tập thơ ấn tượng như Nghe phù du hát (năm 2007), Ru thai (năm 2015), Phủi bụi thế giới phẳng (trường ca, năm 2020). Những ai tiếp xúc với anh đều thấy một Lê Ân đắm đuối với thơ, thầm lặng mà dữ dội trong cuộc chơi chữ nghĩa. Càng về sau, anh càng như một thiền sư lánh những ồn ã thế nhân, thu mình về một góc nhỏ của con hẻm thị thành, tự soi mình, thám phá mình trong những chiêm nghiệm.
Tập thơ Sa mạc tiếng chim của nhà thơ Lê Ân. Ảnh: V.P
Gần đây nhất, Lê Ân ra mắt bạn đọc tập thơ Sa mạc tiếng chim (NXB Hội Nhà văn, 2024). Những hàm ân quê nhà, nỗi niềm tha nhân, ấm áp tình bằng hữu hay bao đau đáu trước những đảo lộn giá trị cứ âm trầm trong thơ anh. Như khi đứng trước tháp Mỹ Sơn, nhìn những vết dấu lưu lại của một vương triều, một thời đoạn lịch sử, giờ chơ vơ trên đồi tự tình cùng mây gió lang thang, với trăng đêm buồn lạnh, anh đã chạnh lòng mà viết: “Nhặt tiếng thở dài/ Linh hồn trăng thất lạc/ Suối nhỏ... Về đâu.../ Mây ăn năn phế tích đồi cao/ Ai ngậm duyên trầu cau hờn núi/ Gió hiển linh màu dã thú xưa buồn...” (Phế tích đồi cao).
Với tập thơ này, Lê Ân đã tự làm mới mình khi chọn lối thơ văn xuôi để trình hiện. Những hình ảnh giàu sức gợi được kết dính bằng xúc cảm đong đầy, giúp thơ cất lên những tự sự trữ tình.
Như khi đặt để lòng mình về phía mẹ, phía quê, câu thơ anh như chuông vọng đồng xa, cứ khắc khoải lòng người đọc: “Nơi chôn nhau cắt rốn đời ta là tiếng chuông chiều âm thầm bóng mẹ chờ cha ngược đêm gió bấc tìm về bồng tiếng khóc từ bi giàn giụa trũng mắt quê hương gập ghềnh những con đường vu vơ lần đạn.../ Mẹ thức giấc giữa chừng tàn tro ủ mùa thiếu phụ khơi ngọn lửa di cư nuôi giọt huyền cầm mải miết ru quê... thời ta thả giấc mơ rong chơi miền hưng phế đua đòi mấy giọt tang bồng lạc nơi mắt trăng khuya...” (Con thắp lời ru).
Hay ở phía lòng mình lắng lại nơi ruộng đồng chốn xưa xa, câu thơ anh như bông lúa quê nhà đòng thơm trong hoài niệm: “Mảnh thép lạc vào hồn tôi cũng chỉ là cơn mơ mồ côi lầm lỡ rong chơi trong nỗi đau chiêm nghiệm tình cờ... Phút dừng trong tâm thức tro than thấp thoáng tiếng chuông lạc chiều trổ đòng lời ru bông lúa quê nhà...” (Lời ru bông lúa).
Lê Ân viết như một bộc bạch, đối thoại với chính mình. Nhiều bài thơ độc đáo bởi ngôn ngữ biểu đạt và thi ảnh thú vị. Lối thơ văn xuôi và cách diễn ngôn của anh, có lúc gợi lên cảm giác cầu kỳ câu chữ nhưng đó chính là lựa chọn của Lê Ân, một cá tính thi nhân luôn ý thức những tìm tòi, khơi sáng, miệt mài “gieo hạt thiền” cho trọn cuộc nghiệm sinh...
VÂN PHI