EU lo ngại về thách thức an ninh mới của châu Âu
Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu (EPC) diễn ra ngày 7.11 tại thủ đô Budapest của Hungary là một bước để đánh giá lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với hy vọng rằng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump sẽ tránh được những bất ổn từng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông đối với châu Âu.
Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu, Tổng thống Pháp đặt câu hỏi về tương lai và an ninh của châu Âu sau khi ông Trump chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Nhiều lần các nhà lãnh đạo EU đã lên tiếng kêu gọi tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình (2017-2021), ông Trump đã thúc đẩy mạnh mẽ các đồng minh NATO ở châu Âu chi nhiều hơn cho quốc phòng, lên mức 2% GDP và ít phụ thuộc hơn vào sự bảo vệ của quân đội Mỹ. Ông Charles Michel, Chủ tịch hội đồng EU cũng tán thành với quan điểm châu Âu này cần phải giảm sự phụ thuộc vào Mỹ vì lợi ích của chính châu Âu.
Ảnh minh họa: Reuters
Tại hội nghị, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis chia sẻ đã đến lúc EU cần thức tỉnh và phải cam kết bổ sung thêm nguồn lực để có thể giải quyết những thách thức lớn của khu vực. Đó là vấn đề về khả năng cạnh tranh và phòng thủ của châu Âu.
Trước đó, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã đe dọa sẽ thay đổi một số quan điểm, từ vấn đề thương mại với châu Âu đến rút khỏi các cam kết của NATO và thay đổi cơ bản sự ủng hộ dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga - tất cả những vấn đề này đều có thể gây ra hậu quả cho các quốc gia trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu đều hy vọng sẽ có một khởi đầu mới mối quan hệ suôn sẻ hơn trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nói nếu ông tái đắc cử, ông sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ ba. Như vậy, Ukraine và nhiều nước ủng hộ đang lo ngại điều này có nghĩa là một cam kết hòa bình sẽ theo các điều khoản có lợi cho Nga và bao gồm cả vấn đề về lãnh thổ. Do đó, các đồng minh trong NATO hy vọng có thể thuyết phục ông Trump rằng nếu đàm phán hòa bình xảy ra, thì điều đó phải được thực hiện từ vị thế mạnh mẽ, cho cả Ukraine và Mỹ.
Theo Hải Đăng (VOV)