Kỳ vọng gì tại Hội nghị khí hậu COP29?
Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu diễn ra vào thời điểm có nhiều báo cáo mới cho thấy, nhiệt độ trái đất đang tăng nhanh, gây ra nhiều thảm họa tự nhiên hơn cũng như đặt ra yêu cầu gắt gao hơn về hỗ trợ cho việc bảo vệ cộng đồng.
Từ ngày 11 - 22.11, đại diện của gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại thủ đô Baku, Azerbaijan. Sau gần 30 năm kể từ Hội nghị lần đầu tiên diễn ra ở Berlin (Đức), mục tiêu của các bên tham gia vẫn là hướng tới kiểm soát sự ấm lên toàn cầu dưới mức 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhằm giúp hành tinh tránh được những tác hại nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện nhiệt độ trái đất có nguy cơ vượt ngưỡng này. Tại COP29, các nước sẽ tập trung đẩy mạnh kế hoạch cắt giảm khí thải, cũng như xác định các nguồn tài chính mới.
Hội nghị COP29 sẽ diễn ra tại sân vận động Olympic Baku.
COP29 diễn ra vào thời điểm cận kề thời hạn mà các quốc gia cung cấp kế hoạch cập nhật về giảm khí thải nhà kính theo Thỏa thuận Paris, đó là tháng 2.2025, trong đó các cam kết mang tên “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (NDC) là trọng tâm của thỏa thuận nhằm hạn chế nhiệt độ tăng trên toàn cầu. Tại Hội nghị lần này, Azerbaijan đã đề xuất một số vấn đề để hiện thực hóa tham vọng ứng phó với biến đổi khí hậu, đó là: Giảm phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng xanh; xây dựng cơ chế chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu tài chính mới.
Về giảm phát thải, lãnh đạo COP29 hướng đến hành động thông qua lĩnh vực thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, chương trình nghị sự lại không đề cập trực tiếp đến việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch, mặc dù các bên phải rất khó khăn mới nhất trí được về mặt từ ngữ tại Hội nghị năm 2023 về kết thúc kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch. Sự thiếu sót này gây ra những lo ngại về nguy cơ thách thức cũ vẫn tồn tại, nhất là trong bối cảnh nước chủ nhà đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn khí tự nhiên. Với mục tiêu xây dựng khả năng chống chịu trước khí hậu, nước chủ nhà đề xuất 1 sáng kiến khí hậu đối với nông dân và tuyên bố kêu gọi các phương pháp hỗn hợp trong ứng phó với các mối đe dọa của biến đổi khí hậu.
Về mục tiêu tài chính mới, các quốc gia được kỳ vọng sẽ thay thế cam kết dành 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển mà các bên đã nhất trí tại Hội nghị diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 2009. Mục tiêu mới (có tên là mục tiêu định lượng chung mới về tài chính khí hậu - NCQG) sẽ được thảo luận tại COP29 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2025. Một báo cáo của nhóm chuyên gia độc lập cấp cao về tài chính khí hậu được công bố năm 2022 ước tính, các nước đang phát triển cần khoảng 1 nghìn tỷ USD/năm vào năm 2025 và 2,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030 để đáp ứng các nhu cầu liên quan đến vấn đề khí hậu. Vấn đề gây tranh cãi nhất vẫn là việc các nước phát triển có thể cung cấp bao nhiêu tiền và nước nào sẽ tài trợ. Ngoài ra, việc quốc gia nào sẽ được hỗ trợ tài chính, tất cả quốc gia đang phát triển hay chỉ những nước dễ bị tổn thương nhất, cũng là một thách thức không nhỏ.
COP29 bắt đầu chỉ 6 ngày sau khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (5.11) và kết quả bầu cử sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán COP.
Thỏa thuận Paris và tiến trình đàm phán COP nhiều khả năng sẽ không có sự tham gia của Mỹ do ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng. Với tư cách là quốc gia xả thải nhiều nhất thế giới, sự quay lưng của Mỹ trong vấn đề biến đổi khí hậu có thể làm tổn hại đến kế hoạch chung của nhiều nước.
Nhiều chuyên gia vẫn đặt câu hỏi về sự hiệu quả của tiến trình đàm phán COP quốc tế. Al Gore và John Kerry, 2 chính trị gia hàng đầu của Mỹ từng phụ trách vấn đề chính sách khí hậu, thường có quan điểm cẩn trọng chung về điều này. Trong khi ông Al Gore khẳng định rằng, tiến trình này cần được xem xét kỹ để đáp ứng yêu cầu cấp bách của khủng hoảng khí hậu, ông John Kerry cũng cho rằng, COP cần định hình lại để tăng cường sự hiệu quả và tính toàn diện.
LÊ QUẢNG (Theo CFR)