Thiên lương hay tạ lỗi là đây (*)
Thơ Mai Thìn không bao giờ lớn giọng. Anh nói chuyện lớn bằng giọng nhỏ nhẹ. Kể cả chuyện phá rừng, tàn hại môi trường là chuyện cực lớn bây giờ, Mai Thìn vẫn giữ giọng thơ cứ như bình thản, cứ như thủ thỉ, nhưng ẩn phía sau lời chữ là nỗi uất hận. Thật sự như thế. Không hề quá lời. Hãy cùng tôi đọc lại một đoạn.
“Sau khi bức tử những cánh rừng/ không thuần phục/ người ta truy tìm những gốc cây/ như/ những gốc thông ở cao nguyên xa/ khoan lỗ rồi bơm/ hàng nghìn liều thuốc độc// cây hồn nhiên/ chết đứng/ chỉ còn những ngọn gió/ những ngọn nắng/ quắt quay// sau khi bắt hết những con cá/ họ ve vãn đám san hô mỹ miều/ ảo tưởng lật úp lòng biển/ kiến tạo một thiên đường// rồi cất lên bài ca đưa linh/ nghe/ mênh mang/ mênh/ mang…” (Bài ca đưa linh).
Tôi cứ bần thần, đọc đi đọc lại, đọc tới đọc lui mãi đoạn này và loang loáng trước mắt là những bản tin thời sự, những vụ việc, những mất mát… gần đây mà phần nhiều nếu không muốn nói là chủ yếu vì con người tàn tệ với môi trường, sinh thái. Chắt lọc được thực tế cuộc sống từng ấy hình ảnh, rồi neo lại trong xúc cảm người đọc như thế không phải là thao tác chữ nghĩa, nó nhiều hơn thế…
Bìa tập thơ Tiếng của thiên lương. Ảnh: THANH THẢO
Thiên lương là bản chất của trời, còn tạ lỗi là thiện căn của người. Chúng ta sống hôm nay sẽ thế nào nếu không biết ân hận, không tự thấy mình có lỗi, dù là có lỗi với cộng đồng hay có lỗi với mây xanh. Chúng ta đâu phải là “bầy chim trên dây điện” cứ mải mê hát những điệu hồn nhiên về màu xanh những cánh rừng bị bức tử. Chúng ta phát tiếng kêu báo động về cái ác, bởi tiếng kêu ấy “chỉ có ở con người”: “những rung động của ruồi/ nỗ lực của kiến/ phát ra tiếng kêu/ suốt ba ngày tuổi// tiếng kêu về cái ác/ chỉ có ở con người…” (Cái ác cỏ dại, cái ác lang thang…).
Từ bóng mát những cái cây, nhìn ra cái gay gắt của lòng người, đối sánh ấy không mới, nhưng thật lòng: “những cái cây, rừng cây/ chen nhau mà lớn/ vì yêu thương con người/ chung tay/ che bóng mát/ còn con người/ với con người/ chung nôi Trái Đất/ mà lòng thật xa”… (Do lòng người mà ra vậy).
Cũng do lòng người, mà có một nhà sư tu hạnh đầu đà đã lang thang mong tìm nguồn tin yêu và hy vọng cho bản thân mình và cho mọi con người. Nhà sư ấy là Thích Minh Tuệ. Bài thơ Mai Thìn viết về Thích Minh Tuệ là một bài thơ hay vì trước tiên nó đủ chân thành. Mong qua một Nhà Sư anh gửi lời cầu nguyện tới con người, cầu hạnh phúc và bình an: “Một nhà sư/ thiên di cùng ánh sáng/ thế gian là nhà/ trời là màn, đất là chiếu/ bước chân nhẹ nhàng/ sợ đau/ từng ngọn gió// tấm áo vá/ manh vải ven đường/ lõi nồi cơm điện/ ông hâm chín/ bao giản dị, khiêm nhường/ bình thường đạo hạnh/ cầu cho muôn nhà/ được yên/ được hạnh phúc// người người theo ông/ nương cái bóng/ giản dị/ khiêm nhường/ chan đầy tình yêu thương/ mong/ độ nhật” (Độ nhật).
Mai Thìn có bài thơ Những người đàn bà ngồi nướng bánh tráng, với những câu thơ “lật trở”, tạo ấn tượng cho người đọc: “Những người đàn bà ngồi nướng bánh tráng/ gương mặt hừng đông/lấm tấm mồ hôi/ nở bung từng chiếc bánh// họ lật trở/ từng trang cuộc đời mình/ trên lò nóng”.
Với thơ mình, Mai Thìn cũng bằng cách lật qua lật lại, một cách “nướng” cho bài thơ vừa chín đều vừa có cái kết bất ngờ. Đơn cử như bài thơ Ở nghĩa trang Hàng Dương, anh viết thế này - “Mộ/ nương mình bên mộ/ những tấm bia/ có tên/ và không tên/ những hàng cây/ lá xanh/ bông trắng/ tất cả đều trật tự/ tất cả đều thẳng hàng/ bao nhiêu năm/ không rời đội ngũ/ ở Nghĩa trang Hàng Dương/ bày/ rất nhiều đồ lễ/ rất nhiều hoa/ đêm nào cũng đông/ đêm nào/ cũng xếp hàng rồng rắn/ màu trắng cúng cô Sáu/ màu vàng/ cúng các anh/ cầu xin những điều/ Nghĩa trang Hàng Dương/ không có”.
Vâng, người ta xếp hàng: “Cầu xin những điều/ Nghĩa trang Hàng Dương/ không có”. Cú “lật bánh tráng” ấy vừa là thi pháp, vừa là tư tưởng. Làm thơ cũng có những lúc vui vui là như vậy.
Xin chúc mừng Mai Thìn, một người làm thơ không bao giờ lớn giọng, hãy dành chút thời gian để nghe anh trải lòng ra nhỏ nhẹ, giản dị.
THANH THẢO
(*) Đọc tập thơ Tiếng của thiên lương, NXB Hội Nhà văn, 2024 của Mai Thìn.