Thị ơi…
Cho một chút phân vân, tôi ồ lên, có gì mà phải đoán chứ: Thị! Là quả thị đây mà chị… Đĩa thị độ chục trái no tròn chen nhau nằm trong đĩa trên bàn, một vệt nắng đầu đông xiên ngang khiến chúng như mọng hơn, căng thêm và dìu dịu ngát hương.
Đó là món quà chị tôi mang về từ nhà người bạn lớp tá viên điều dưỡng năm mươi năm về trước. Ngót chừng thời gian ấy vẫn là màu vàng thị ùa về trong nắng sáng vàng hươm. Có phải hoa thị trắng nở ra hương tinh khiết và kết trái giữa ngày đầu đông nắng đẹp, chờ khi gió về chín rụng xuống, giành nhặt trái vàng rồi chia nhau. Đó là cây thị ở Vườn Lăng trứ danh mà hôm qua trên Facebook anh tôi ở xa lắm có nhắc lại. Cảm ơn anh, nếu không có hương thị thì Vườn Lăng có lẽ chẳng còn chỗ trong ký ức tuổi thơ tôi. Ở Vườn Lăng xưa kia, những trưa hè bóng thị mát lắm, gốc to bằng ba vòng tay ba đứa nhỏ chúng tôi sắp vào lớp ba ngày ấy, thân cao che kín góc khu vườn rộng, nơi có vài ngôi mộ cổ, một cái miếu nhỏ đã đủ làm chúng tôi trố mắt bí ẩn nhìn. Vườn Lăng rộng, rất nhiều cỏ hoa, cây trái nhưng đọng lại trong trí nhớ tự ấu thơ đến giờ nhiều nhất vẫn là cây thị già và làn hương ngọt lừ, quyền quyện trong nắng trưa.
Tranh của họa sĩ TUẤN ĐẠT
Mùa hè níu kéo đầu trần, chân đất chúng tôi bám theo hàng rào mút mật từ lúc sáng sớm, mỗi chùm bông mút mật đỏ bé lắm chỉ ngọt chút trên lưỡi, nếu nặn ra xem cũng trong veo chừng phần mười giọt nhỏ mắt. Và chị em tôi có thể quên ngay hết thảy khi dáng má đi Chợ Huyện về qua cổng Lý Môn, thấp thoáng quẹo ngang cua gốc mận theo lối vào nhà, thể nào mẹ cũng mua thị chín mang về vì biết con mình thích loại quả này.
Phải chọn quả thị chín mọng vàng thơm lựng, cứ cầm lên là hít ngửi cho thỏa thích. Và khi dịch vị bắt đầu tiết ra, không kiềm chế được, là tự tay xoa đều cho mềm, đến lúc vỏ mỏng vừa nứt là đưa lên miệng. Vị thị chín không ngọt lắm, còn giữ chút ít độ chát cho sạch miệng, nếu vội vàng phun từng hột thị ra thì tiếc, phải cố lận sao cho hết thịt thị mới thôi. Hễ lúc đó, ai hỏi gì thì… khác nào tính người nhút nhát đứng trước đám đông không nói nên lời, bị gắn ngay cụm từ “lúng búng như ngậm hột thị” sượng sùng đỏ mặt.
Thầm tặng nhau quả thị vàng khi thưở biết soi gương xao xuyến nhớ nhung. Rồi quả thị rớt bị bà già trong truyện cổ tích, bà đem về ngửi chứ bà không ăn. Làm sao ăn được, tận hưởng mùi thơm thể gìn giữ trân quý nết na dịu dàng cô gái, giúp người già neo đơn dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch đẹp. Và hình ảnh cô Tấm bước ra từ quả thị vàng mới thật đáng yêu.
Cuối mùa thị năm ấy, sau chuyện có một bạn bị hụt tay rơi từ cành thị trên cao mà rồi không còn đến trường làng với chúng tôi nữa… người lớn cứ dặn đi dặn lại mãi câu tục ngữ “nhà có phúc con biết lội, nhà có tội con biết leo trèo”. Ám ảnh cái phúc, cái tội đeo đuổi người lớn. Thì người lớn tính ngay đến chuyện an toàn mà, nên cứ tổng kết lại sao cho chắc ăn cái đã. Người lớn có biết đâu, việc lội sông, trèo cây tuy đều là nguy hiểm, là mối đe dọa tính mạng, nhưng nó cũng là kỹ năng mà trẻ con đứa nào cũng nên biết, phòng khi hữu sự. Nhưng đó là suy nghĩ của bây giờ, còn hồi đó vì vụ té cây kể trên, Vườn Lăng dần rơi vào lãng quên. Hơn nửa thế kỷ trước bọn chúng tôi xênh xang là thế, giờ nhà cửa cổng ngõ khép kín, một phần tuổi thơ của bọn trẻ bảo bọc trong khuôn khổ, giờ giấc, tường rào…
Quả thị đây mà! Nghe hương là đoán ngay thị Vườn Lăng. Quả thị tựa như trái hồng giòn, hơi dẹp, lại không hột, cơm bên trong dẻo ngọt, đã là món kem thị chị tôi làm để dành đãi bạn. Quả thị giờ không tròn như tuổi thơ của tôi ngày ấy nhưng vẫn vàng hươm quyến rũ. Chỉ một làn hương đã bồng bềnh đưa người ta về với những ngày xưa thân ái!
Hơn nửa đời người bỗng nhiên được cầm lại làn hương thơ ấu trên tay thì ai không khỏi bồi hồi.
NGUYỄN THỊ PHỤNG