Những trầm tích văn hóa ở đình làng Hữu Thành
Nằm ven sông Gò Bồi, đình làng Hữu Thành (thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) là một kiến trúc tín ngưỡng dân gian lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất xưa, nơi có tuyến giao thương đến cảng thị Nước Mặn. Đặc biệt, người dân còn lưu giữ những sắc phong quý giá do các vua triều Nguyễn ban tặng, tô điểm thêm cho giá trị ngôi đình này.
Những sắc phong quý giá
Đình làng Hữu Thành hiện nay nằm sau chợ Trường Thế (cách vị trí Di tích chùa Bà - cảng thị Nước Mặn khoảng 2 km)được xây dựng vào khoảng năm 1866. Theo dòng chảy lịch sử, ngôi đình được xây dựng, tôn tạo, trùng tu lại qua nhiều lần, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của kiến trúc đình làng Việt. Hiện đình còn lưu giữ 5 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban cho đình làng Hữu Thành, gồm: Tự Đức (2 sắc phong vào năm 1852 và 1880), Đồng Khánh (1 sắc phong vào năm 1886), Duy Tân (1 sắc phong vào năm 1909), Khải Định (1 sắc phong vào năm 1924).
Khác với sắc phong thần tại những đình làng khác ở Bình Định, được các vua triều Nguyễn phong tặng hai vị thần là Thành hoàng bổn cảnh và Thái giám Bạch mã tôn thần, 5 sắc phong đình làng Hữu Thành chỉ phong thần Thành hoàng với các mỹ hiệu: Bảo An, Chánh trực, Hữu thiện, Đôn Ngưng, bổn cảnh Thành hoàng chi thần. Đến thời vua Khải Định, sắc phong cho thần Thành hoàng bổn cảnh thờ ở đình làng Hữu Thành gia tặng thêm mỹ hiệu Tĩnh hầu trung đẳng thần (tức là thăng cấp hàm từ chi thần lên trung đẳng thần).
Trong 5 sắc phong, các vua triều Nguyễn đều nói đến công đức của thần Thành hoàng bổn cảnh đã giúp nước, che chở cho bá tánh tỏ rõ linh ứng, ban chiếu để ghi nhớ công ơn thần và lệnh cho lê dân thôn Hữu Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định thờ phụng như lệ cũ theo điển lễ.
Cụ Ngụy Hồng Thanh (70 tuổi), Phó Ban quản lý đình Hữu Thành, cho biết: “Ngôi đình hiện hữu được xây dựng lại năm 1958, lần trùng tu gần nhất vào năm 2001. Ngoài các sắc phong, trong đình hiện còn giữ nhiều bài vị, liễn thờ cổ. Hằng năm, nhân dân góp tiền tổ chức cúng đình theo lệ xuân kỳ vào ngày 16.2 âm lịch, gắn với lễ thanh minh, cúng thu tế vào ngày 16.8 âm lịch, cúng đưa Ông táo về trời vào ngày 22 tháng Chạp âm lịch. Đêm 30 Tết, Ban quản lý đình đến cúng giao thừa cầu cho quốc thái dân an, dân làng ấm no, hạnh phúc, đời sống phát triển”.
Ngôi đình gắn với nét văn hóa, lịch sử lâu đời
Cụ Phạm Ngọc Thanh (83 tuổi), người thủ sắc đình làng Hữu Thành, góp chuyện: “Khu vực quanh đình Hữu Thành và chợ Trường Thế ngày xưa người Hoa sinh sống rất nhiều. Vị trí này nằm ven sông Gò Bồi ngày xưa là một tuyến giao thông đường thủy sầm uất, ghe bầu ra vào tấp nập, có tên Trường Thuế - là nơi thu thuế buôn bán, thuế tàu thuyền qua lại…, về sau đọc trại thành Trường Thế rồi đặt tên cho chợ Trường Thế gắn với tên ấy đến bây giờ”.
Năm 1960, chợ được xây dựng lại mang kiến trúc mái vòm theo kiểu nhà xưa, đặc biệt trong chợ có một giếng cổ xây bằng đá ong. Giếng có mạch nước ngầm chảy ra quanh năm mà không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn và khô cạn, vẫn được tiểu thương buôn bán tại chợ sử dụng lấy nước sinh hoạt.
Cùng với việc bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, người dân địa phương còn đóng góp tiền của, công sức làm xe rồng có rơ moóc, mua sắm đồ trợ táng như trống, cờ, chiêng để tại đình làng, thành lập Hội nghĩa táng của thôn để chung tay lo việc tang lễ cho người dân trong thôn. Khi nhà nào có người mất sẽ báo cho ban nhân dân thôn và ban quản lý đình để họp Hội nghĩa táng cùng ban nhạc lễ đến lo tang sự.
Ông Ngụy Đình Tư - Phó trưởng thôn Hữu Thành, kiêm thư ký Ban quản lý đình làng Hữu Thành, chia sẻ: “Người dân cùng làm việc nghĩa, chung tay đưa tiễn an táng người đã khuất, chứ không có chuyện tiền bạc như kiểu dịch vụ mai táng. Đó cũng là nét đẹp mang tính nhân văn, góp phần gắn kết cộng đồng dân cư. Từ những giá trị truyền thống tốt đẹp, người dân địa phương luôn duy trì được ý thức chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, cùng giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế và chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
***
Đình là công trình văn hóa, là nơi cố kết cộng đồng dân cư. Đây là nơi diễn ra những sinh hoạt, nghi lễ quan trọng của làng. Xung quanh đình Hữu Thành và chợ đến nay vẫn còn nhiều ngôi nhà cổ khá bề thế, điều đó cho thấy vùng này xưa kia rất phát triển, giữ một vị trí quan trọng trong khu vực kinh tế lân cận cảng thị Nước Mặn. Không chỉ lưu lại nét kiến trúc xưa, từ những gì đang lưu giữ, trao truyền cả hình thức vật chất lẫn những giá trị tinh thần, đình làng Hữu Thành xứng đáng là một hợp điểm văn hóa nên được phát huy nhiều hơn.
“Triều đình nhà Nguyễn ban hành nhiều sắc phong thần (thiên thần, nhiên thần, nhân thần) với nhiều tôn hiệu có tên trong thần phổ, như: Bổn cảnh thần hoàng, Thái giám Bạch mã tôn thần, Cao Các tôn thần, Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần... được thờ trong đền, đình, miếu… theo tín ngưỡng dân gian. Từ thời vua Đồng Khánh trở về sau, các vua nhà Nguyễn phong sắc thần chia thành 3 cấp hàm: Hạ đẳng thần, trung đẳng thần và thượng đẳng thần, tương ứng với việc thờ cúng, tế lễ theo cấp sắc phong thần do triều đình quy định”.
TS Võ Minh Hải - Phó trưởng khoa Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Quy Nhơn)
ĐOÀN NGỌC NHUẬN