Ngóng nắng
Tản văn của NGUYỄN THỊ THANH
Sáng nay cùng chị gái ra vườn hái hoa cúc chi để phơi làm trà, cái giống hoa bé bé xinh xinh mà thơm ngan ngát ấy tôi đã mê mẩn từ thuở bé xíu xiu ở nhà, bây giờ mới xin được giống về trồng. Là chị gái tôi được một chị tít tận Di Linh, Lâm Đồng gửi xuống. Về Quy Nhơn tưởng nắng gió không sống được, ấy vậy mà không những sống mà còn sống rất tốt nữa. Một rổ hoa vàng ươm thơm ngát đem về cho ngóng nắng trên giàn đủ dắt tôi về một vùng cao nguyên giăng mắc hoa vàng. Mùa này chỉ cần vậy thôi, chỉ vài cây mưa, chỉ vài luồng gió hú rít qua dây điện giăng giăng ngoài phố là khi không tâm tư đầu tháng Mười lại lần tìm về ngày xưa với mảnh sân nhà tháng Chạp. Lại ngóng nắng và nhớ quê.
Ở quê hầu như nhà nào cũng có một mảnh sân, lớn nhỏ gì cũng có. Không như trong phố, nhiều nhà không có đến một khoảng be bé để làm sân. Nhà tôi tuy không rộng nhưng ba tôi vẫn xê xích để chừa ra chút đất làm sân. Có lẽ vì thế mà tôi hay nhớ về khoảnh sân nhỏ nhà mình.
Mùa này nắng đã bắt đầu hiếm. Ngày nắng chỉ tính trên đầu ngón tay. Cũng chính vì thế mà được ngày nào nắng thì y như rằng mảnh sân nhỏ nhà nào cũng ngồn ngộn cả lên. Nào chiếu chăn, quần áo, nào nệm ra, giày dép… Cả con mèo lười nghe chừng cũng thèm nắng mà bỏ cả góc bếp ấm ra phơi mình cho tơi xốp bộ lông.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Ngày gió hút, đi qua các nhà từ đầu xóm đến cuối thôn khéo để ý chút thôi là có thể nhìn ra sự sung túc hay nghèo ngặt của mỗi nhà. Nhà có của một chút, mảnh sân rộng hơn, đồ phơi trên sân cũng nhiều hơn, ngênh ngang; tường nhà ửng lên màu vôi bắt đầu ráo nước, nom khí thế lắm. Nhà kém sung túc có khi chỉ trơ khấc vài ba thẻ củi, mấy cái đồ cũ cũ mốc mốc; tường nhà loang lổ vết thấm, nhiều chỗ chỉ còn thấy màu rêu, ủ dột và lộ rõ vẻ rầu rĩ.
Tôi hay đi qua những cái sân nằm ngóng nắng rồi lại thấy nhà họ có nhiều thứ mà mình không có. Tôi hay hỏi mẹ tôi về những thứ đèm đẹp mà nhà mình thiếu. Bao giờ cũng vậy, mẹ tôi cười ấm áp rồi nói chỉ vừa đủ mấy mẹ con nghe: Những cái đó không quan trọng đâu con. Có thì vui. Không có cũng chỉ buồn một chút. Nhà mình không có những thứ đó nhưng nhà mình có nhiều tiếng cười, bữa cơm vẫn ấm và quan trọng nhất là chuyện học. Chịu khó học đi con thì rồi thứ gì con muốn cũng từ từ có. Sự học là điều nhất thiết phải có.
Những năm mới lớn, tôi cứ cười thầm vì mẹ tôi nói những điều quá cao siêu cho một lũ bé con nghe, thật là không phù hợp. Nhưng dần dần tôi ngộ ra dần. Hình như mẹ tôi nói để chúng tôi biết điều đó, và rồi vì tin mẹ mà sẽ ghi nhớ và từ từ hiểu. Biết - Nhớ - Hiểu và Thấm thía là hành trình nhận thức mà mẹ tôi, một bà mẹ quê thuần thục cách thực hành minh triết dân gian, vốn truyền thừa từ nhiều đời.
Hồi nhỏ tôi hay ngồi nhìn nắng đùa trên mớ quần áo ẩm lạnh được phơi trên dây mà như nghe được mùi của niềm vui rạo rực. “Thấy nắng giòn tan mà vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”, bất giác tôi lại nhớ về câu văn của cụ Nguyễn Tuân. Cái dây phơi vậy thôi mà phơi luôn cả những phận người. Nhà đông người, dây oằn xuống tưởng chừng như sắp đứt. Nhà nào neo người thì nhìn cái dây phơi cũng có thể nhận ra. Trong nắng và gió hầu như chẳng ai giấu được điều gì. Tất cả cứ lặng lẽ bày ra hết.
Nếu không có gì để nhớ, hoặc tệ hơn - không biết nhớ thì chẳng phải sau lưng là một khoảnh thăm thẳm hư vô, còn phía trước là mịt mờ vô định hay sao? Và như thế chẳng phải ngay dưới chân mình đến cả một lối đi cũng không rõ ràng. May quá. Xa quê lâu là thế nhưng chỉ cần vướng vào một đầu dây mối nhợ nào đó, vu vơ thôi, cũng đủ để tôi tìm về. Một làn gió phất phơ. Một đêm mưa dài hun hút. Một trưa nắng vui bên thềm… Đêm nằm nghe đài báo tin bão xa, tin lũ gần bất giác lại nhớ về những khoảnh sân nắng ngày xưa, trong lòng dâng lên một nỗi vui ấm áp!