Mỹ Latinh dự báo quan hệ với Mỹ thay đổi mạnh sau chiến thắng của ông Trump
Mexico, Brazil, Argentina, Venezuela, Cuba, Colombia và El Salvador chuẩn bị đối mặt với những tác động kinh tế và chính trị, có thể dẫn tới tái cấu trúc quan hệ với Mỹ sau chiến thắng của ông Trump.
Ông Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, bang Florida, ngày 6.11.2024. (Ảnh: REUTERS/TTXVN)
Phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh dẫn hãng tin EFE (Tây Ban Nha) nhận định chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ ngày 5.11 vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Mỹ Latinh, khu vực dự đoán sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ song phương với Mỹ, đặc biệt là về thương mại, chính sách di cư và an ninh.
Các quốc gia như Mexico, Brazil, Argentina, Venezuela, Cuba, Colombia và El Salvador đang chuẩn bị đối mặt với những tác động kinh tế và chính trị ở mức thậm chí có thể dẫn tới tái cấu trúc quan hệ giữa các nước này với Washington và làm thay đổi bối cảnh khu vực.
Cụ thể, Mexico đón nhận chiến thắng của ông Trump vừa lạc quan vừa thận trọng. Giới doanh nhân và các nhà phân tích nước này nhận thấy cơ hội để hai bên củng cố quan hệ kinh tế song phương.
Họ cho rằng mặc dù các chính sách bảo hộ mà ông Trump áp dụng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên đã gây ra tác động nhưng hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada (USMCA) vẫn là một khuôn khổ vững chắc, mang lại cơ hội và sự ổn định lâu dài.
Tuy nhiên, về lĩnh vực chính trị, cựu Đại sứ Mexico tại Mỹ Martha Bárcena lại cảnh báo, một số cam kết tranh cử của ông Trump như đóng cửa biên giới và đàm phán lại USMCA có thể sẽ ảnh hưởng đến Mexico.
Trong khi đó, Tổng thống Argentina Javier Milei được dự báo sẽ nỗ lực trở thành đồng minh chủ chốt của ông Trump tại khu vực. Ông Javier Milei là nguyên thủ đầu tiên ở Mỹ Latinh chúc mừng ông Trump và đã nhiều lần tuyên bố Mỹ cùng với Israel là ưu tiên đối ngoại hàng đầu của chính quyền hiện nay.
Ngoài ra, ông Milei cũng đã bổ nhiệm doanh nhân Gerardo Werthein, một người Do Thái, vào vị trí Ngoại trưởng.
Brazil - quốc gia rộng lớn nhất và nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh - có thể phải đối mặt với những thách thức nếu ông Trump thực hiện các cam kết về việc tăng thuế nhập khẩu và áp dụng các chính sách bảo hộ.
Các nhà phân tích dự đoán xuất khẩu của “xứ sở Samba” sang Mỹ có thể giảm sút cả về số lượng và giá trị.
Tại Venezuela, Tổng thống Nicolás Maduro nhìn nhận sự trở lại của ứng viên đảng Cộng hòa như một “khởi đầu mới” cho quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa Caracas và Washington, trong bối cảnh hai quốc gia này không có quan hệ chính thức kể từ năm 2019.
Trái lại, Cuba lo ngại nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump tại Nhà Trắng có thể dẫn đến bước ngoặt mới trong chính sách trừng phạt của Washington đối với La Habana, xét tới việc trong nhiệm kỳ đầu ông Trump đã thông qua hơn 240 biện pháp chống lại đảo quốc này.
Chính phủ Colombia thì tin tưởng mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, đặc biệt trong hợp tác chống ma túy, sẽ được duy trì dưới chính quyền của ông Trump, dù Bộ trưởng Ngoại giao Luis Gilberto Murillo có đưa ra dự báo về một số khác biệt trong “các vấn đề liên quan đến an ninh, di cư và thương mại”.
Còn El Salvador đang chờ giải quyết vấn đề nhập cư, do lo ngại nguy cơ công dân nước này bị Mỹ trục xuất hàng loạt. Đây là một trong những đề xuất tranh cử của ông Trump, mặc dù ông có quan hệ cá nhân hữu hảo với Tổng thống Nayib Bukele của quốc gia Trung Mỹ.
Hàng triệu kiều dân El Salvador đang sống bất hợp pháp tại Mỹ nhưng lại là nguồn cung cấp tài chính, thông qua kiều hối, then chốt cho người thân ở quê hương.
Theo Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)