Tăng cường quản lý cơ sở gây nuôi, mua bán động vật hoang dã
Nhằm đảm bảo các hoạt động gây nuôi, mua bán động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh diễn ra đúng quy định, các hạt kiểm lâm đã tăng cường công tác kiểm tra, trong đó chú trọng những cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Đầu tháng 11.2024, Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn đã hoàn thành kiểm tra 52 cơ sở gây nuôi, mua bán động vật hoang dã. Theo Phó Hạt trưởng Nguyễn Thanh Hồng, đa số cơ sở thực hiện đúng quy định hiện hành. Đáng chú ý là có 25 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB gồm: Cầy vòi hương, cầy vòi mốc, cheo cheo (TP Quy Nhơn 15 cơ sở, huyện Tuy Phước 10 cơ sở) đã thực hiện tốt việc lập sổ theo dõi nuôi và sổ sinh sản; ghi chép đầy đủ thông tin khi có biến động tăng, giảm đàn và kịp thời thông báo với Hạt; chuồng, trại xây dựng phù hợp với đặc tính sinh trưởng của từng loài, đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh...
Phần lớn cơ sở gây nuôi, mua bán động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đã tuân thủ quy định pháp luật.
- Trong ảnh: Cơ sở nuôi động vật hoang dã của anh Nguyễn Quốc Thắng (khu phố 1, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Ảnh: N.N
Tuy nhiên, ông Hồng lưu ý, vẫn còn một số ít cơ sở khi tăng đàn (do sinh sản) chưa ghi chép kịp thời vào sổ theo dõi. Một số ít cơ sở còn thiếu giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường và giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y theo quy định...
Ông Hồng cho biết thêm, với những trường hợp này, tổ kiểm tra của Hạt Kiểm lâm nhắc nhở, buộc ký cam kết không được nuôi nhốt, mua bán các loài chim di cư không có nguồn gốc hợp pháp; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD).
Huyện An Lão hiện có 14 cơ sở gây nuôi, mua bán ĐVHD; toàn bộ đang nuôi cầy vòi hương. Theo Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, các cơ sở nuôi đều mở sổ theo dõi và ghi chép, cập nhật tình hình sinh sản và xuất bán động vật rõ ràng, đầy đủ.
Ông Phan Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, đa số hộ dân tiến hành gây nuôi ĐVHD để phát triển kinh tế. Thời gian gần đây, giá mua, bán ĐVHD (cả con giống và động vật thương phẩm) tương đối hấp dẫn nên số lượng cơ sở gây nuôi và số lượng đàn dần nhiều lên.
Thống kê của Chi cục, toàn tỉnh hiện có 358 cơ sở gây nuôi ĐVHD với số lượng gần 3.500 cá thể thuộc 5 loài: Cầy vòi hương, cầy vòi mốc, dúi, nhím, heo rừng. Trong đó, có 345 cơ sở gây nuôi các loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB với 3.452 cá thể; 13 cơ sở nuôi các loài ĐVHD thông thường như: Dúi, nhím, heo rừng.
Để quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho các cơ sở hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, Chi cục thường xuyên chỉ đạo các hạt kiểm lâm tăng cường kiểm lâm địa bàn xuống cơ sở để hướng dẫn các chủ trại nuôi mở sổ theo dõi hoạt động gây nuôi, cách ghi chép khi tăng/giảm đàn, cách lưu trữ các loại hồ sơ (hồ sơ nguồn gốc; hồ sơ nhập, xuất động vật gây nuôi). Hướng dẫn các hộ nuôi mới làm các thủ tục cần thiết để được cấp mã số nuôi đối với các cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm…
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc gây nuôi ĐVHD đã mang lại nguồn thu nhập khá và tương đối ổn định trong những năm qua cho một bộ phận người dân. Đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn nguồn gen, giảm áp lực săn bắt các loài ĐVHD trái phép từ rừng tự nhiên.
Ông Phan Văn Hải cho biết, thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các cơ sở gây nuôi về thủ tục mua, bán và kỹ thuật nuôi, nhân rộng mô hình; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi nuôi nhốt, buôn bán ĐVHD trái phép…
NGỌC NGA