Nhân ngày thế giới phòng chống đái tháo đường (14.11):
Ngày càng nhiều người mắc bệnh đái tháo đường và trẻ hóa
Số người mắc bệnh đái tháo đường gia tăng, tỷ lệ người bệnh tăng gấp đôi so với 10 năm trước và xu hướng ngày càng trẻ hóa là dấu hiệu rất đáng lo ngại khi làm gia tăng gánh nặng y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Theo bác sĩ CKII Hoàng Nguyên Vũ, Trưởng khoa Nội tiết (BVĐK tỉnh), đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, tại Việt Nam nó trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm. Đáng chú ý, ghi nhận tại BVĐK tỉnh, hơn 55% bệnh nhân vào viện khi đã có biến chứng.
Chú ý kiểm soát đường huyết
Chiều 6.11, anh Nguyễn Ngọc C. (30 tuổi, ở thôn Thanh Lương, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) được đưa vào khoa Nội tiêu hóa (BVĐK tỉnh) cấp cứu do đau bụng, nôn mửa. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm định lượng glucose (máu) của bệnh nhân vượt ngưỡng rất cao, lên đến 31,46 mmol/l (bình thường từ 3,89 - 5,83 mmol/l). Ngay tối 6.11, anh C. được chuyển sang điều trị tại khoa Nội tiết, với chẩn đoán ĐTĐ type 1. Sau 1 ngày điều trị tích cực với thuốc hạ đường huyết, sáng 8.11 xét nghiệm định lượng glucose trong máu giảm còn 12,2 mmol/l.
Anh Nguyễn Ngọc C. (30 tuổi, ở huyện Hoài Ân) được xác định mắc ĐTĐ type 1 sau triệu chứng đau bụng, nôn mửa. Ảnh: MH
Anh C. cho hay: Hai ngày trước khi vào viện tôi có triệu chứng tiểu nhiều, khát nhiều, sút cân và mệt, sau đó nôn mửa và đau bụng. Tôi chỉ nghĩ là mình bị ngộ độc thực phẩm do thức ăn không an toàn thôi chứ không nghĩ mới 30 tuổi lại bị ĐTĐ, trong khi ở nhà cũng không ai mắc bệnh này.
Thực tế, bệnh nhân ĐTĐ trẻ tuổi như anh C. không phải là ít, thậm chí là trẻ em, phổ biến nhất là ĐTĐ type 1. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân ĐTĐ vào bệnh viện phần lớn là ĐTĐ type 2, đã có biến chứng.
10 tháng đầu năm nay, khoa Nội tiết đã khám, điều trị ngoại trú 24.645 trường hợp (trung bình 112 ca/ngày), điều trị nội trú 1.483 trường hợp (trung bình gần 5 ca/ngày) mắc ĐTĐ. Còn cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân điều trị ngoại trú là 22.713 trường hợp (trung bình 103 ca/ngày), điều trị nội trú là 1.274 trường hợp (trung bình 4,2 ca/ngày). Lượng bệnh nhân ĐTĐ ngày càng tăng, đa số bệnh nhân nhập viện vì các biến chứng của bệnh cũng như kiểm soát đường huyết kém.
Lưu ý biến chứng
Đáng chú ý, bác sĩ Vũ cho biết, trong số bệnh nhân nhập viện có hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng (34% biến chứng về tim mạch, 39,5% có biến chứng về mắt và về thần kinh, 24% biến chứng về thận). Các biến chứng này không những làm gia tăng chi phí điều trị mà còn làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân.
Mắc bệnh ĐTĐ type 2 khoảng 10 năm nay, ông Võ Trung T. (84 tuổi, ở khu phố 5, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) trở thành khách quen của khoa Nội tiết, BVĐK tỉnh. Sáng 8.11, ông T. nhập viện điều trị tích cực bệnh ĐTĐ type 2 có biến chứng loét nhiễm trùng bàn chân trái, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ông Võ Xuân A. (con trai của ông T.) cho hay, ngay trong đợt điều trị tháng 9.2024 trước đó, ông T. cũng đã phải tháo 1 ngón chân ở bàn chân trái.
Bác sĩ CKII Phan Châu Du, khoa Nội tiết (BVĐK tỉnh), thông tin thêm, biến chứng bệnh ĐTĐ có thể chia thành 2 loại: Biến chứng cấp tính (bao gồm hôn mê tăng đường huyết, hôn mê hạ đường huyết); biến chứng mạn tính bao gồm biến chứng mạch máu lớn (như bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại vi và đột quỵ), biến chứng mạch máu nhỏ (như bệnh cầu thận, bệnh thần kinh, bệnh võng mạc).
Bác sĩ Hoàng Nguyên Vũ, Trưởng khoa Nội tiết, tư vấn: Những trường hợp cần làm xét nghiệm để tầm soát phát hiện ĐTĐ gồm: Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ (như có người thân đời thứ nhất - cha mẹ, anh chị em ruột, con đẻ - bị ĐTĐ, tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang, ít hoạt động thể lực; phụ nữ đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất 3 năm/lần; người từ 45 tuổi trở lên.
Tại Việt Nam, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về dịch tễ của bệnh ĐTĐT type 1 ở trẻ em. Tuy nhiên, dữ liệu từ các bệnh viện chuyên khoa nhi cho thấy số trẻ mắc bệnh đái tháo đường type 1 có xu hướng gia tăng trong cả nước trong 7 năm qua.
Trên cơ sở này, tháng 6.2024, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh ĐTĐ type 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hướng dẫn chuyên môn bệnh ĐTĐ cho trẻ em và thanh thiếu niên lần đầu tiên được biên soạn tại Việt Nam.
MAI HOÀNG