Xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài: Còn nhiều khó khăn
Cuối tháng 10.2024, UBND tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh (từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.8.2024), nêu nhiều vấn đề cần quan tâm hơn, trong đó có xử phạt tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Trong kỳ báo cáo nêu trên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác mà không có giấy phép, với 10 đối tượng bị xử phạt tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, 10 đối tượng trên đều chưa chấp hành nộp phạt, bởi hầu hết đã bị nước ngoài bắt giữ người, tịch thu và tiêu hủy ngư cụ, tàu cá; số tiền xử phạt về hành vi này quá lớn, trong khi tài sản xác minh của đối tượng lại rất ít, không đủ nộp phạt.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, xử phạt vi phạm hành chính chủ tàu cá vi phạm còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi cơ quan chức năng nước ngoài từ khi bắt giữ, xử lý tàu cá, trả ngư dân về Việt Nam đều không cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, dẫn đến nhiều vụ việc kéo dài, do không đủ chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm.
Từ năm 2023 đến nay, TX Hoài Nhơn không có tàu cá nào bị nước ngoài bắt giữ vì lý do đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, nhưng có 1 trường hợp tàu cá của ngư dân phường Hoài Hương bị Indonesia bắt giữ tại vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia.
Tàu cập Cảng cá Tam Quan (TX Hoài Nhơn) tiêu thụ hải sản đánh bắt được. Ảnh: H.THU
Tại Hội nghị “Tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU và phát triển thủy sản bền vững, giai đoạn 2024 - 2030” được Thị ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TX Hoài Nhơn tổ chức cuối tháng 9.2024, ông Lê Khánh, Bí thư Chi bộ khu phố Ca Công (phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn), kiến nghị: Nhiều năm qua, có tình trạng chủ tàu cá đi khai thác gần ranh giới lãnh hải Việt Nam, chưa vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng vẫn bị lực lượng chấp pháp nước ngoài chạy sang bắt giữ, rồi cho rằng ngư dân Việt Nam đã vi phạm, xử lý tịch thu tài sản, bắt giam người, làm cho một số ngư dân bị phá sản. Đề nghị các cơ quan quản lý của nhà nước Việt Nam quan tâm vào cuộc can thiệp kịp thời.
Có thể thấy, việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác thủy sản đang tạo nên tác động lớn đối với ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân. Đơn cử, tàu cá đánh bắt xa bờ của gia đình ngư dân Lê Cu (ở phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn) vào tháng 8.2024 bị xử phạt 25 triệu đồng, do không thực hiện quy định khi thiết bị giám sát hành trình bị hỏng lúc tàu cá đang hoạt động trên biển. Ông Lê Cu nhìn nhận: Qua bị xử phạt, bản thân nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định chống khai thác IUU, để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam, cũng như hình ảnh của ngư dân Bình Định.
Theo ý kiến của nhiều chủ tàu cá, thuyền trưởng tàu cá ở các địa phương trong tỉnh, chống khai thác IUU cần áp dụng các quy định pháp luật để xử lý nghiêm tàu cá vi phạm. Tuy nhiên, họ cho rằng cũng cần có sự linh hoạt phù hợp trong thực tế.
Theo một chủ tàu cá ở TP Quy Nhơn, việc xử phạt khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác mà không có giấy phép theo khoản 3 Điều 20 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16.5.2019 của Chính phủ, có số tiền phạt rất lớn, nên cần có thời gian dài để chủ tàu xoay xở nộp phạt, bởi khó khăn khi không còn phương tiện đánh bắt tạo nguồn thu nhập.
Chủ tàu này ý kiến: Nếu được xem xét kéo dài thời gian nộp tiền phạt phù hợp thực tế hơn, nhưng đến hết hạn chủ tàu vẫn chưa chấp hành, thì mới áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường xử lý nghiêm các hành vi khác như: Không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m; không thực hiện quy định khi thiết bị giám sát hành trình bị hỏng; vi phạm quy định về vùng khai thác... để ngăn chặn, răn đe đối với các “mầm mống” có thể dẫn đến tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
HOÀI THU