Tăng cường chủ động và năng lực ứng phó với thiên tai
Từ tháng 7.2024, Văn phòng Điều phối về biến đổi khí hậu tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn, lắp đặt thiết bị kỹ thuật, hỗ trợ công cụ ứng phó với thiên tai, bão lũ cho nhân dân một số xã, phường ở huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Qua đó, tăng cường tính chủ động, năng lực ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu cho cộng đồng.
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), trên địa bàn tỉnh đã và thường xảy ra 17/22 loại hình thiên tai; trong đó, thường gặp nhất là bão, mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở núi, hạn hán… Từ năm 2013 đến 2023, trên địa bàn tỉnh hứng chịu nhiều đợt thiên tai, làm 133 người chết, 90 người bị thương; tổng thiệt hại ước tính gần 9.220 tỷ đồng.
Hỗ trợ một số dụng cụ, trang thiết bị quy mô nhỏ cho người dân thôn Xuân Phương và Lộc Thượng để tăng khả năng chống chịu với lũ lụt. Ảnh: V.L
Về hiện tượng lũ, ngập lụt lớn thường xuất hiện những năm gần đây, ông Võ Minh Đức, Trưởng Phòng Tài nguyên nước - Khí tượng Thủy văn (Sở TN&MT), lý giải: Mưa lớn diện rộng, cực đoan xuất hiện nhiều đợt liên tiếp làm các vùng ven biển và đồng bằng bị ngập lụt. Sau đó, lũ từ trung du và miền núi đổ về càng gây ngập nặng hơn cho vùng đồng bằng và ven biển. Khi gặp triều cường hoặc sóng lớn ở vùng cửa sông làm chậm khả năng thoát nước lũ ra biển, khiến vùng hạ du ngập sâu hơn. Ngoài ra, lớp phủ thực vật rừng sản xuất ở đầu nguồn các hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh suy giảm, làm giảm khả năng điều hòa dòng chảy; thay đổi diện tích trữ lũ và điều hòa lũ. Hạ tầng nông thôn, đô thị, khu dân cư, giao thông ngày càng phát triển cũng khiến năng lực tải lũ giảm nhiều.
Chính vì những yếu tố trên nên việc tăng cường tính chủ động, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH) là rất cần thiết. Từ tháng 7.2024, Văn phòng Điều phối về BĐKH tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền các xã, phường tại huyện Tuy Phước, TP Quy Nhơn triển khai Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH cho cộng đồng tại Bình Định (Dự án CRMC)”.
Diễn tập ứng phó thiên tai tại thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn. Ảnh: V.L
Ông Nguyễn Văn Nhung - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Biển và Hải đảo (Sở TN&MT), điều phối viên Dự án CRMC, cho hay: Từ tháng 7.2024 đến nay, các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát thực địa, xác định các điểm quan trắc ngập lụt cộng đồng, xác định vết lũ; gắn bảng inox vết lũ tại 102 vị trí thuộc phường Nhơn Phú, Nhơn Bình, Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) và xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước). Ngoài ra, xây dựng bảng thống kê dữ liệu lượng mưa, mực nước và mức ngập cộng đồng phục vụ công tác cảnh báo lũ sớm; xây dựng web GIS hệ thống quản lý ngập lụt. Lắp đặt tháp cảnh báo lũ thông minh để hỗ trợ công tác cảnh báo sớm lũ lụt tại 5 vị trí thuộc khu phố 3 (phường Nhơn Phú); khu phố 7 (phường Nhơn Bình); thôn Xuân Phương (xã Phước Sơn); thôn Lương Bình (xã Phước Thắng); thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa). Bên cạnh đó, hỗ trợ một số dụng cụ, trang thiết bị quy mô nhỏ cho UBND phường Nhơn Phú, xã Phước Sơn và người dân khu phố 2, 3, 4, 5 (phường Nhơn Phú), thôn Xuân Phương, Lộc Thượng (xã Phước Sơn) để nâng cao hiệu quả tiếp nhận, truyền tin cảnh báo sớm, tăng khả năng chống chịu với lũ lụt. Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về hành động sớm và cảnh báo lũ sớm cho 8 phường, xã; lực lượng phòng chống thiên tai cấp thôn, khu phố và cộng đồng dân cư.
Ông Huỳnh Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở TN&MT, Giám đốc Văn phòng Điều phối về BĐKH tỉnh, cho biết: Thời gian tới, Văn phòng Điều phối về BĐKH tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương triển khai các hợp phần còn lại của Dự án CRMC. Qua đó, nâng cao năng lực cho Văn phòng Điều phối về BĐKH tỉnh, các cơ quan tham mưu công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh, huyện, xã, phường; giảm thiểu tính dễ tổn thương của cộng đồng do thiên tai, BĐKH; tăng cường tính chủ động, nâng cao khả năng chống chịu và năng lực ứng phó với thiên tai, BĐKH cho người dân.
Văn phòng Điều phối về BĐKH tỉnh là đơn vị làm chủ Dự án CRMC, với sự tài trợ của Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội - quốc tế (ISET) từ nguồn vốn của Quỹ Z Zurich (Thụy Sỹ). Dự án có thời gian thực hiện từ tháng 7.2024 đến tháng 12.2027; địa điểm thực hiện tại huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn.
Dự án gồm 3 hợp phần chính: Cải thiện công tác cảnh báo sớm; đánh giá khả năng chống chịu với BĐKH cho cộng đồng; áp dụng công cụ hỗ trợ xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai cấp xã.
VĂN LỰC