Ông Trump sẽ khôi phục một loạt sắc lệnh hành pháp từ nhiệm kỳ đầu tiên
Các trợ lý của ông Trump cho biết, ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống đắc cử sẽ khôi phục lại một loạt sắc lệnh hành pháp từ nhiệm kỳ đầu tiên, đồng thời đảo ngược các sắc lệnh của người tiền nhiệm Joe Biden.
Susie Wiles, người vừa được chọn làm Chánh văn phòng Nhà Trắng cho biết, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhanh chóng khôi phục các sắc lệnh hành pháp từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông mà Tổng thống Biden đã hủy bỏ.
Đây là một trong những bình luận đầu tiên của bà Wiles, một chiến lược gia chính trị đến từ Florida, người giám sát chiến dịch tranh cử của ông Trump, kể từ sau khi bà được Tổng thống đắc cử chọn làm chánh văn phòng Nhà Trắng.
Ông Donald Trump. Ảnh: CNN
Theo bà Wiles, các tổng thống thường ban hành ngay một loạt sắc lệnh hành pháp sau khi nhậm chức và ông Trump cũng vậy. Tuy nhiên bà không nêu rõ những sắc lệnh nào từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump sẽ được khôi phục.
Đảo ngược gần 100 sắc lệnh của người tiền nhiệm?
Một số sắc lệnh của ông Trump mà ông Biden từng hủy bỏ sau khi nhậm chức 4 năm trước bao gồm việc rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với một số quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo; và quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris.
Bà Wiles nhấn mạnh, thời gian để ông Trump cách mạng hóa chính phủ sẽ là 2 năm, chứ không phải 4 năm. Vì vậy, việc chuẩn bị ngay từ Ngày đầu tiên của nhiệm kỳ là rất quan trọng.
NYTimes nhận định, đây dường như là sự thừa nhận rằng hầu hết các tổng thống đều phải đối mặt với chu kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ khó khăn sau hai năm tại vị.
Cuối tuần vừa qua Thư ký báo chí chiến dịch tranh cử của ông Trump, bà Karoline Leavitt cũng cho biết, Tổng thống đắc cử có thể đảo ngược hàng chục sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay trong tuần đầu nhậm chức.
“Sẽ có sự đảo ngược tất cả các sắc lệnh hành pháp mà ông Joe Biden và bà Kamala Harris đã ký nhằm đảo ngược các chính sách hiệu quả trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump”, bà Leavitt, nói.
Bà Leavitt cho rằng 94 sắc lệnh hành pháp mà ông Biden ký trong tuần đầu tiên nhậm chức đã dẫn đến “cuộc khủng hoảng biên giới và khủng hoảng kinh tế”.
Ông Trump sẽ chính thức nhậm chức tổng thống thứ 47 của Mỹ vào ngày 20.1.2025. Theo các nhà phân tích, trở lại Nhà Trắng lần này, ông Trump sẽ thành lập một chính quyền hoàn toàn mới, không giống với chính quyền đầu tiên mà ông thành lập năm 2016.
Hạn chế của các sắc lệnh hành pháp
Việc các tổng thống Mỹ ban hành sắc lệnh hành pháp đã tăng lên trong những năm gần đây khi sự phân cực của đất nước đã dẫn đến một Quốc hội bị đóng băng vì chia rẽ. Đối mặt với tình trạng này, các tổng thống đã tìm cách gia tăng quyền lực cho của chức vụ mà họ nắm giữ.
Năm 2013, do sự phản đối của đảng Cộng hòa, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã cố gắng định hình lại chính sách nhập cư bằng cách ban hành các sắc lệnh hành pháp để bảo vệ những người được gọi là “Dreamers” - những người đã được đưa đến Mỹ một cách bất hợp pháp từ khi còn nhỏ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi đối mặt với sự phản đối của đảng Dân chủ tại lưỡng viện Quốc trong các chương trình nghị sự, ông cũng ban hành các sắc lệnh hành pháp.
Việc thực thi quyền lực của Phòng Bầu dục có thể mang lại kết quả ngay lập tức cho một tổng thống muốn nhanh chóng cho cử tri thấy rằng ông đang hành động.
Dù vậy, các sắc lệnh hành chính cũng có hạn chế. Về bản chất, chúng không tồn tại vĩnh viễn và có thể bị người kế nhiệm hủy bỏ dễ dàng như khi chúng được ban hành.
Ông Trump đã đảo ngược nhiều sắc lệnh của người tiền nhiệm Obama. Tổng thống Mỹ Biden cũng làm như vậy với các sắc lệnh của ông Trump.
Các tuyên bố và sắc lệnh của tổng thống cũng dễ bị công kích hơn trong hệ thống pháp luật. Nhiều sắc lệnh của ông Trump đã nhanh chóng gặp thách thức tại tòa án, bị các thẩm phán trì hoãn trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm vì họ cho rằng chúng là những nỗ lực bất hợp pháp nhằm lách ải Quốc hội.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng Cộng hòa của ông Trump đã giành lại quyền kiểm soát Thượng viện và nhiều khả năng cũng sẽ kiểm soát cả Hạ viện. Nếu chiếm đa số tại cả lưỡng viện, đảng Cộng hòa sẽ thuận lợi hơn khi thông qua các chính sách, đạo luật trong chính quyền của ông Trump.
Theo Hoàng Phạm (VOV.VN)