Bỏ cộng điểm nghề trong xét tốt nghiệp THPT 2025: Học sinh trường nghề lo lắng !
Bộ GD&ÐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư quy định Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trong đó đề xuất bỏ cộng điểm nghề trong xét tốt nghiệp. Dự thảo này là một phần của chương trình giáo dục phổ thông 2018, với mục tiêu xây dựng một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội. Nhưng điều này đặt ra câu hỏi, liệu như vậy có quá thiệt thòi cho học sinh trường nghề?
Định hướng mới theo chương trình GDPT 2018
Trước đây, theo quy định, học sinh có chứng chỉ nghề được cộng điểm vào kết quả xét tốt nghiệp THPT. Đối với học sinh THPT đạt chứng chỉ loại giỏi sẽ được cộng 2 điểm, loại khá được cộng 1,5 điểm; tương tự, học sinh thuộc các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) được cộng 4 điểm nếu có chứng chỉ nghề loại giỏi. Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư mới, Bộ GD&ĐT đề xuất bỏ quy định này. Đây là một bước đi nhằm đảm bảo công bằng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Một tiết học của học sinh lớp 10, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuy Phước. Ảnh: HỒ ĐIỂM
Khác với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006, với chương trình GDPT 2018, học sinh sẽ có môn học 105 tiết lồng ghép với Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp và Giáo dục địa phương. Điều này giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt hơn cho việc phân luồng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Ông Võ Quốc Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Vân Canh (huyện Vân Canh), cho biết: Việc bỏ cộng điểm nghề là hợp lý trong bối cảnh chương trình GDPT 2018, khi học sinh sẽ được học thêm các môn tích hợp, giúp các em định hướng nghề nghiệp từ sớm. Điều này cũng phù hợp với xu hướng của xã hội, khi học sinh cần có những kỹ năng mềm và kiến thức toàn diện hơn, thay vì chỉ tập trung vào chứng chỉ nghề.
Đồng tình về điểm này, ông Nguyễn Sơn Đông, Hiệu trưởng Trường THPT số 3 An Nhơn (TX An Nhơn) cho biết: Chương trình học mới sẽ giúp học sinh phát triển các kỹ năng cần thiết, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho các em về việc thi lấy chứng chỉ nghề để có điểm cộng. Việc tích hợp các môn học này vào chương trình là một bước đi đúng đắn.
“Thiệt thòi” cho học sinh trường nghề?
Trong khi đó, học sinh tại các trung tâm GDNN - GDTX vốn có lực học không đồng đều, chủ yếu theo học các ngành nghề cụ thể, lại đang phải đối mặt với sự thiệt thòi. Vì khả năng học tập còn hạn chế, các em rất cần đến cộng điểm nghề để có thêm cơ hội khi xét tốt nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX TX Hoài Nhơn, trăn trở: Học sinh tại các trung tâm đa phần có năng lực học tập ở mức thấp, điều kiện để đi học khó khăn, vì vậy, việc bỏ cộng điểm nghề sẽ là một thiệt thòi lớn đối với các em.
Cùng quan điểm trên, ông Phù Quốc Tiến, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tây Sơn, chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng việc bỏ cộng điểm nghề là một phần trong đổi mới giáo dục, nhưng nếu không có bước chuyển đổi, các chính sách đi kèm, học sinh trường nghề sẽ gặp khó khăn trong việc xét tốt nghiệp. Theo tôi, có thể giữ lại điểm cộng khuyến khích các chứng chỉ bổ trợ như ngoại ngữ và tin học, chứng chỉ trung cấp nghề…, như vậy các em sẽ có thêm cơ hội xét tốt nghiệp.
Trong khi đó, một giáo viên trường nghề cho hay: “Nên tăng cường hỗ trợ học sinh yếu thông qua các lớp bồi dưỡng, đặc biệt là trong các môn văn hóa và kỹ năng mềm, để các em có thể đạt được mục tiêu tốt nghiệp. Cùng với đó, nên hỗ trợ điểm khuyến khích hoặc phân luồng nghề nghiệp ngay từ khi học sinh bước vào lớp 10, để các em sớm có định hướng cụ thể”.
Từ năm 2023, để phù hợp với chương trình giảng dạy GDPT 2018, Sở GD&ĐT quyết định không triển khai tổ chức cho học sinh THPT học thêm chứng chỉ nghề. Điều này cũng phù hợp với định hướng chương trình mới, giúp học sinh có thể tập trung hơn vào việc học các môn văn hóa và các kỹ năng khác như ngoại ngữ, tin học - những yếu tố được xem là quan trọng để học sinh có thể tự tin bước vào thị trường lao động hoặc tiếp tục con đường học tập sau cấp THPT.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, trước dự thảo bỏ cộng điểm nghề cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, theo định hướng chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT đã tiếp nhận một số ý kiến từ các cơ sở giáo dục, địa phương, tổng hợp, ghi nhận và gửi về Bộ GD&ĐT. Nhưng cần chờ thông tư chính thức từ Bộ GD&ĐT.
Dự thảo Thông tư về việc bỏ cộng điểm nghề trong xét tốt nghiệp là một bước đi phù hợp với định hướng giáo dục đổi mới, nhưng cũng cần có các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho học sinh trường nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên.
HỒ THỊ ĐIỂM