Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam
Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam khẳng định EU ghi nhận phía Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện những khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Trạm kiểm soát biên phòng An Hòa (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) kiểm tra tất cả tàu cá trước khi ra khơi. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)
Là một quốc gia ven biển có số lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu cá trên toàn thế giới, chiếm khoảng 5% sản lượng thủy sản toàn cầu.
Việc ngăn chặn, loại trừ, tiến tới xóa bỏ tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) là nhiệm vụ bắt buộc để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” mà Ủy ban châu Âu (EC) đã áp dụng, qua đó phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Đây là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, điều này đã được thể chế hóa thông qua Luật Thủy sản năm 2017.
Cũng như nhiều nước trong khu vực, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng trên nhiều mặt để khắc phục IUU, hướng đến mục tiêu gỡ bỏ "thẻ vàng" của EC. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Nam đã ghi nhận những tiến bộ đáng kể được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực.
Trải qua 4 đợt thanh tra vào các năm 2018, 2019, 2022 và 2023, EC đánh giá kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU của Việt Nam có nhiều tiến bộ so với trước.
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan vào ngày 4.4.2024 tại Hà Nội, ông Julien Guerrier, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, khẳng định EU ghi nhận phía Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện những khuyến nghị chống IUU.
Ngư dân Nguyễn Thanh Hiền ở xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) chủ tàu cá NT 91334 TS giới thiệu thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Đại sứ đánh giá cao tinh thần chủ động của Việt Nam trong nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU, đặc biệt là quyết tâm nâng cao năng lực của cộng đồng ngư dân, hiện đại hóa ngành sản xuất có truyền thống lâu đời.
Ông cũng ghi nhận các biện pháp và giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đưa ra nhằm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chống khai thác IUU theo hướng dẫn của Chính phủ Việt Nam. Theo Đại sứ, phía Việt Nam cần đạt được thêm những tiến bộ trong thời gian tới để EU có thể gỡ bỏ “thẻ vàng”.
Trước đó, trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cuối tháng 12 năm ngoái nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 các nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam liên quan đến chống khai thác IUU, ghi nhận quyết tâm của Việt Nam thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU và mong vấn đề sớm được giải quyết trong thời gian tới.
Chuyên gia Christian Vidal-León, từng là luật sư giải quyết tranh chấp tại bộ phận các vấn đề pháp lý và Ban Thư ký Cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng đánh bắt cá ở khu vực Đông Nam Á luôn là thách thức, đồng thời khẳng định chống IUU có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển bền vững ngành thủy sản của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ông đánh giá kể từ năm 2017, Việt Nam đã có những nỗ lực phù hợp để ngăn chặn hoạt động IUU, đồng thời nỗ lực đàm phán, thảo luận để sớm gỡ bỏ cảnh báo "thẻ vàng" của EC.
Trong hơn 6 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý liên quan, đưa các khuyến nghị của EU vào luật thủy sản, trong đó có Quyết định Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do Chính phủ Việt Nam ban hành năm 2023.
Các lực lượng chức năng thường xuyên đến từng tàu cá để tuyên truyền về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong khai thác hải sản. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)
Nhận định về việc EC chưa gỡ bỏ cảnh báo "thẻ vàng" đối với Việt Nam, ông Vidal-León cho rằng ủy ban này có thể đang chờ đợi kết quả Việt Nam thực thi các văn bản pháp lý trên trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, trong những trường hợp trước đây, EU đã hài lòng với các cải cách luật và không đặt điều kiện gỡ bỏ "thẻ vàng" vào cách thức thực hiện hoặc thực thi các luật đó. Theo ông, liên quan vấn đề này có thể nghiên cứu trường hợp của Philippines, Hàn Quốc, Kiribati và điển hình là Thái Lan.
Trong khi đó, Bộ trưởng Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc Kang Do Hyung khẳng định với tư cách là những đối tác thương mại thủy sản quan trọng của nhau, Hàn Quốc ủng hộ những nỗ lực mà Việt Nam đang thực hiện nhằm chống IUU theo khuyến cáo của EC.
Học giả Veeramalla Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), đánh giá Việt Nam có nhiều giải pháp trong việc gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU. Ông nêu rõ các khuyến nghị của EC về đánh bắt IUU đều được đưa vào Luật Thủy sản của Việt Nam.
Từ góc độ của “người trong cuộc”, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EC, khẳng định trong gần 7 năm vừa qua, Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực hợp tác với EC trong việc triển khai quyết liệt các khuyến cáo của EU, công tác phòng chống của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện và đúng định hướng phát triển bền vững, xây dựng nghề cá có trách nhiệm.
Cụ thể, Việt Nam đã tập trung, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của EC để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU đặc biệt từ sau đợt thanh tra lần thứ tư (vào tháng 10.2023) cho đến nay. Việc thực hiện các khuyến nghị của EC về chống IUU đã đạt được kết quả rất tích cực, toàn diện và đúng hướng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hoàng Anh Thư, nghiên cứu viên của chương trình Blue Security tại Đại học La Trobe (Australia), nhấn mạnh Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao trong việc khắc phục “thẻ vàng” IUU của EC.
Bà Anh Thư khẳng định chống IUU có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển bền vững ngành thủy sản thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thể hiện tinh thần và quyết tâm cao với nhiều kết quả, chuyển biến tích cực đã được ghi nhận từ năm 2017 đến nay, cụ thể hoàn thiện khung pháp lý liên quan, tăng chế tài và đẩy mạnh xử phạt các trường hợp tàu cá vi phạm khai thác IUU, cả nước có 98,25% số lượng tàu cá từ 15m trở lên được trang bị hệ thống giám sát hành trình (VMS).
Trong những năm qua, Việt Nam chủ động hợp tác quốc tế và ký biên bản ghi nhớ (MOU) với nhiều quốc gia như Thái Lan, Australia và Mỹ; thành lập đường dây nóng và thường xuyên trao đổi thông tin với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam đã tham gia tích cực và chủ trì xây dựng sáng kiến “Xây dựng lộ trình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong ASEAN giai đoạn 2020-2025”.
Nỗ lực gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế. Điều này là minh chứng cho quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành thủy sản mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, vì một ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường biển và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
(Theo TTXVN/Vietnam+)