Tăng cường nguồn lực để ngăn chặn ma túy
(BĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 13.11, các ĐBQH tham gia thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Tham gia thảo luận, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho rằng, đối với hệ thống các chỉ tiêu mà chương trình đặt ra, nhiều đại biểu (ĐB) đã phát hiện và có ý kiến tại thảo luận tổ. Từ đó, ĐB Hạnh đề xuất nhiều chỉ tiêu không nên cào bằng giữa các địa bàn, mà có phân loại gắn với thực trạng từng địa bàn. “Đơn cử đối với các địa bàn đã đạt các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao hay kiểu mẫu… thì các chỉ tiêu liên quan đến ma túy phải chặt chẽ hơn các địa bàn khác. Các địa bàn trọng điểm về tệ nạn xã hội sẽ có các chỉ tiêu phù hợp để thực hiện có hiệu quả”, ĐB Hạnh nói.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh tham gia góp ý tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Chương trình đặt mục tiêu giảm cung, chủ yếu là ngăn chặn ma túy từ bên ngoài vào nước ta và hạn chế nguồn cung giữa các đối tượng buôn bán. ĐB Hạnh đồng tình cần tăng đầu tư cho hoạt động này, trọng tâm là tăng cường nhân lực, nguồn lực, trang bị cho lực lượng chuyên trách, trong đó có cả lực lượng BĐBP.
Bên cạnh đó, ĐB Hạnh cũng đề nghị bổ sung mục tiêu "giảm nguồn cung từ người bán đến người sử dụng”, đặc biệt là người nghiện ma túy. “Việc này giúp phá vỡ mắt xích quan trọng trong chuỗi cung cấp và tiêu thụ ma túy. Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương, các đối tượng buôn bán nhỏ lẻ vẫn có rất nhiều phương thức để tiếp cận với người nghiện. Do đó, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn như tăng cường giám sát, triệt phá các điểm bán lẻ và nâng cao hiệu quả các biện pháp pháp lý đối với các đối tượng buôn bán ma túy nhỏ lẻ. Tôi cũng đề nghị cần có nghiên cứu kỹ hơn để phát hiện các hình thức, thủ đoạn mới trong cung cấp ma túy, thông tin, truyền thông cụ thể, mạnh mẽ đến người dân”, ĐB Hạnh phân tích.
Vấn đề tái nghiện hiện nay vẫn diễn ra phức tạp, nhiều địa phương có tỷ lệ tái nghiện cao. Nguyên nhân dẫn đến tái nghiện rất đa dạng. Từ thực tế đó, ĐB Hạnh đề nghị, để giảm cầu một cách bền vững, cần phân tích kỹ lưỡng từng nguyên nhân và triển khai các biện pháp ngăn chặn từ gốc rễ. Đồng thời bổ sung nội dung “ngăn chặn các nguyên nhân có nguy cơ cao dẫn đến tái nghiện”, làm cơ sở đưa ra các biện pháp hỗ trợ cụ thể như: Hỗ trợ tâm lý dài hạn, tạo việc làm và bồi dưỡng, trang bị kỹ năng sống cho người sau cai nghiện... Đồng thời, tăng cường trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa gia đình - nhà trường và chính quyền địa phương. Xem xét quy định về việc chỉ xem người sử dụng ma túy là người bệnh bởi thực tế nếu nghiêm khắc với họ khi họ đang là nạn nhân, lại có thể cứu họ cả cuộc đời
Nguồn: BTV
Về nội dung giảm tác hại của ma túy, bên cạnh các biện pháp hiện có, ĐB Hạnh đề nghị cần bổ sung mục tiêu “xây dựng và bổ sung cơ chế hỗ trợ khẩn cấp cho người có nguy cơ tái nghiện cao”. Trong đó, cần giao nhiệm vụ cho các lực lượng tại chỗ, hoạt động như các đội phản ứng nhanh và đường dây nóng. Đồng thời có cơ chế để các lực lượng phản ứng nhanh hỗ trợ những người có dấu hiệu tái nghiện. Triển khai các mô hình hỗ trợ khẩn cấp thông qua tư vấn tâm lý, y tế và kết nối nhanh chóng với các cơ sở điều trị khi cần thiết, giúp họ không bị tái nghiện trong những thời điểm yếu đuối. “Cơ chế này không chỉ giảm thiểu tỷ lệ tái nghiện mà còn giúp người nghiện cảm thấy được quan tâm và hỗ trợ, tăng cơ hội tái hòa nhập thành công vào cộng đồng. Vì vậy, chương trình này bên cạnh vĩ mô cũng cần chú ý đến từng người, từng trường hợp cụ thể”, ĐB Hạnh phát biểu.
Cuối cùng, nghiên cứu bổ sung mục tiêu "sớm phát hiện, giảm việc rà soát và kiểm tra ma túy trên diện rộng" là điều cần thiết. Từ đó, ĐB Hạnh đề xuất cần có mục tiêu về “triển khai các hoạt động kiểm tra ngẫu nhiên tại các điểm nhạy cảm như trường học và khu công nghiệp, đảm bảo phát hiện sớm để ngăn chặn” trước khi quá muộn. Đồng thời, bổ sung mục tiêu “ngăn chặn các tiền chất ma túy và các chất kích thích tinh thần”. Vì các chất này không chỉ là cầu nối dẫn đến việc sử dụng ma túy mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và khả năng lao động, học tập của người dân, đặc biệt là giới trẻ và hiện nay các chất này dễ trá hình dưới nhiều hình thức.
HỒNG PHÚC - P.PHƯƠNG