Nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trong xây dựng nông thôn mới:
Khi chính quyền nỗ lực, người dân hưởng ứng
Trong bối cảnh nhiều địa phương, nhất là ở các khu vực miền núi và vùng sâu, việc cung cấp nước sạch vẫn là một thách thức lớn, nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và sự thay đổi trong nhận thức của người dân, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch ở tỉnh Bình Định dần được cải thiện.
Chính quyền quan tâm, người dân đồng lòng
Theo kế hoạch năm 2024, 2 xã Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân) và An Quang (huyện An Lão) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 12 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao; ngoài ra, 3 xã khác là Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), Phước Hưng (huyện Tuy Phước) và Cát Minh (huyện Phù Cát) đặt mục tiêu trở thành xã NTM kiểu mẫu. Trong đó, theo số liệu tự đánh giá, hầu hết các xã đều đã đạt chỉ tiêu về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch; riêng xã Phước Lộc (Tuy Phước) và xã Cát Nhơn (Phù Cát) là những địa phương có tốc độ “phủ sóng” nước sạch nhanh.
Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trong xây dựng NTM là đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp nước tập trung tại các xã, đặc biệt ở khu vực còn khó khăn về nguồn nước. Chính quyền các huyện đã huy động nguồn lực để xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, nhằm đảm bảo nguồn cung nước sạch cho các hộ dân.
Tuy Phước là địa phương tiêu biểu trong vấn đề nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó UBND huyện đã đầu tư hệ thống 100 km đường ống để cung cấp nước sạch từ Nhà máy nước sạch Quy Nhơn về các xã trên địa bàn. Đây là một phần của chiến lược phát triển hạ tầng cấp nước cho vùng nông thôn.
Xã Phước Lộc đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024, đến nay đã có 2.140/4.119 hộ sử dụng nước sạch, đạt tỷ lệ hơn 52%. Đây là con số đáng mừng, bởi từ năm 2023 trở về trước không có hộ nào sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung. Ngoài việc đầu tư các tuyến ống cấp nước, chính quyền cũng tích cực vận động người dân tham gia đăng ký sử dụng nước sạch. Xã đang kiến nghị huyện tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước (giai đoạn 2), phấn đấu cải thiện, nâng cao chỉ tiêu vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát) đã hoàn thành chỉ tiêu này khá sớm, khi có hơn 90% hộ dân sử dụng nước sạch, dù từ năm 2014 trở về trước tỷ lệ này chỉ là số 0. Nhà máy cấp nước sinh hoạt Phù Cát có công suất thiết kế 5.600 m³/ngày, với các giếng khoan và hệ thống đường ống dài hơn 39 km, giúp cung cấp nước sạch cho 9 thôn trong xã. Ông Nguyễn Vũ Bằng, Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn, chia sẻ: “Ngay từ khi công trình cấp nước sinh hoạt của huyện Phù Cát được xây dựng ở thôn Đại Hào và đưa vào sử dụng, người dân đã dần chuyển sang sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, người dân thôn Đại Hữu, xã Cát Nhơn, cho biết: “Trước kia, gia đình tôi phải dùng nước giếng nhiễm phèn, rất lo ngại về sức khỏe, từ khi có hệ thống nước sạch, chúng tôi đã chuyển sang sử dụng nước hợp vệ sinh, và cảm thấy an tâm hơn hẳn”. Câu chuyện của bà Hạnh phản ánh sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt của người dân, từ việc sử dụng nước giếng không đảm bảo vệ sinh sang việc sử dụng nước sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Công trình cấp nước sinh hoạt của huyện Phù Cát được xây dựng ở thôn Đại Hào (xã Cát Nhơn) góp phần cải thiện tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch. Ảnh: T.LỢI
Nâng cao tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch
Nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, thời gian qua, tỷ lệ hộ dân đăng ký và sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung ở nhiều địa phương tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, không phải xã nào cũng dễ dàng đạt được tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch. Các xã miền núi như An Quang (huyện An Lão) gặp phải nhiều khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí này. Mặc dù xã đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng công trình hệ thống nước sạch suối nước Bo, nhưng với đặc thù là xã miền núi địa hình phức tạp, cư dân phân tán nên việc đầu tư đường ống, đưa nước xuống tận hộ không hề dễ dàng. Bên cạnh một số hộ ở thôn 2, thôn 3 và thôn 4 sử dụng nguồn nước này, còn số lượng lớn hộ dùng nước giếng. Ông Nguyễn Minh Tòng, Chủ tịch UBND xã An Quang, cho hay: Hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch có tăng hơn so với trước, bên cạnh việc tuyên truyền để ngày càng nhiều bà con dùng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, chính quyền địa phương đang kiến nghị UBND huyện hỗ trợ kinh phí để kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng nước tại các hộ sử dụng giếng tại gia đình.
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có 113 xã tham gia chương trình xây dựng NTM. Trong số đó, 91 xã đạt chuẩn NTM, 24 xã được công nhận là NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tất cả các xã này đều đạt yêu cầu về tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung (tối thiểu 50%), thuộc tiêu chí 18 về chất lượng môi trường sống.
Ông Hồ Đắc Chương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, khẳng định: “Việc hoàn thành chỉ tiêu nước sạch không chỉ giúp cải thiện sức khỏe cho người dân, mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu. Các xã cần tăng cường công tác quản lý, bảo dưỡng các công trình cấp nước tập trung, đồng thời tiếp tục vận động người dân tích cực tham gia sử dụng nước sạch”.
TRỌNG LỢI