Công tác ứng phó với bão lũ: Tích cực hơn, nghiêm cẩn hơn
Bình Định là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ. Vì vậy, ngay từ đầu mùa mưa, các cấp, các ngành đã xây dựng cụ thể, chi tiết phương án, kế hoạch phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN). Song khi triển khai thực hiện, nhiều thiếu sót, tồn tại vẫn xảy ra.
Phương án PCLB còn bất cập
Ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Đê điều PCLB - kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh, nhìn nhận: Phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, hậu cần và phương tiện) luôn có trong phương án PCLB của các địa phương, đơn vị, nhưng thường mang tính chung chung, chưa cụ thể.
Theo ông Hải, để phát huy triệt để tính năng của “4 tại chỗ”, các địa phương cần phương án ứng phó cụ thể, chi tiết cho từng cấp độ bão lũ. Bởi phương án PCLB càng sát với thực tế địa hình từng vùng và cường độ bão lũ thì việc tổ chức ứng phó sẽ càng dễ dàng, nhanh chóng. Thiệt hại vì thế cũng sẽ giảm đáng kể. Song, hầu như các địa phương đều không xây dựng! Đến khi xảy ra sự cố thì lúng túng trong xử lý, rồi đổ lỗi do bão mạnh, lũ đến nhanh.
Đơn cử như tại cơn lũ lịch sử giữa tháng 11.2013, dù UBND tỉnh, các sở, ngành, chính quyền địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp PCLB kịp thời, hạn chế đáng kể thiệt hại nhưng không vì thế mà chúng ta khẳng định công tác này đạt hiệu quả tối đa. Chẳng hạn về hậu cần, theo nguyên tắc PCLB, các địa phương cần chuẩn bị, dự trữ lương thực, thực phẩm đủ dùng trong thời gian từ 3 đến 5 ngày (đối với vùng đồng bằng). Thế nhưng, cơn lũ vừa ập xuống chỉ chưa được 1 ngày, người dân ở nhiều khu vực đã kêu gọi giúp đỡ về lương thực, thực phẩm.
Để xảy ra tình trạng này, phần vì tâm lý chủ quan của người dân, phần nữa do chính quyền địa phương thiếu sâu sát. Chưa hết, công tác chuẩn bị vật tư tại chỗ như bao tải cát, cuốc xẻng để sẵn sàng khắc phục hậu quả bão lũ, gia cố đê bao, đập tràn của chính quyền cơ sở vẫn còn bị động hoặc trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên.
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy Ban chỉ huy PCLB của chính quyền địa phương chưa thật kiện toàn và không chuyên nghiệp. Điều này dẫn tới công tác dự đoán, phân tích tình hình bão lũ còn chậm, công tác phối hợp triển khai đạt hiệu quả thấp. Thêm nữa, lực lượng điều khiển thiết bị, vật dụng hỗ trợ công tác PCLB, cứu hộ cứu nạn cơ sở cũng còn yếu về kỹ thuật, kỹ năng.
Cần “đi trước” mưa bão
Rút kinh nghiệm các năm trước, đặc biệt sau cơn lũ lịch sử tháng 11.2013, năm nay, tỉnh ta tiếp tục sử dụng phương châm “4 tại chỗ” nhưng linh hoạt hơn, phù hợp với thực tế hơn; trong đó đặc biệt coi trọng công tác quản lý vận hành và điều tiết việc xả lũ từ các hồ chứa.
Ông Phan Xuân Hải cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 161 hồ chứa nước lớn, nhỏ với tổng dung tích 566,4 triệu m3. Hầu hết các hồ chứa đều nằm ở khu vực miền núi. Mùa mưa lũ năm nay, việc quản lý, vận hành và điều tiết xả lũ từ các hồ chứa, nhất là thời gian xả lũ, tốc độ xả lũ từ các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Vĩnh Sơn, thủy điện An Khê - Kanak, thủy điện Trà Xom... là mối quan tâm hàng đầu của địa phương”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quy trình vận hành hồ chứa đối với các công trình thủy điện, Ban Chỉ đạo PCLB tỉnh đã phối hợp với các nhà máy thủy điện xây dựng phương án chi tiết trong việc đón lũ, xả lũ để giảm thiểu mức ảnh hưởng đối với vùng hạ du. Đồng thời, lãnh đạo các nhà máy thủy điện có trách nhiệm báo cáo kịp thời khả năng lũ đổ về các hồ chứa, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác về tình hình xả lũ, thời gian xả lũ, tốc độ xả lũ cho các cơ quan chức năng và các địa phương để chủ động trong công tác phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiệt hại.
Bên cạnh đó, giao thông cũng được xem là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác ứng phó với mưa bão. Ông Đỗ Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: “Ngoài việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và xây lắp hệ thống rãnh thoát nước dọc, gia cố các mái ta-luy, xử lý các cầu, cống, ngầm tràn, lắp đặt biển cảnh báo theo phương châm “4 tại chỗ”, ngành GT-VT tỉnh bố trí lực lượng và phương tiện, vật tư thường trực trên tất cả những đoạn xung yếu thường xuyên bị sạt lở, đặc biệt tại các tuyến tỉnh lộ 629, 635, 640, 637…”.
Ngoài ra, các vấn đề dự trữ lương thực thực phẩm, phòng tránh sạt lở núi và lũ quét, phương án di chuyển dân sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở núi hoặc lũ quét cũng đã được đặt ra... và có kịch bản phòng chống.
“Năm 2013, phương án PCLB được xây dựng chi tiết, thực hiện khá hiệu quả, song vẫn còn một số tồn tại như: việc xây dựng phương án theo phương châm “4 tại chỗ” nhiều nơi chưa cụ thể nên việc xác định số lượng, vị trí và địa điểm di dời dân còn lúng túng; khâu chuẩn bị hậu cần tại chỗ chưa đầy đủ; một số địa phương báo cáo thiệt hại không kịp thời, thiếu chính xác khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. Năm 2014, việc xây dựng các cơ quan phòng chống thiên tai đủ năng lực, chuyên môn ở các cấp nhằm chủ động ứng phó với thiên tai là cấp thiết. Hơn nữa, công tác xây dựng phương án PCLB-TKCN ở địa phương cần cụ thể, chi tiết, phù hợp với điều kiện và tình hình của từng vùng” .
Ông PHAN XUÂN HẢI, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Đê điều PCLB - kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh
“Bão lũ thường rất khó lường. Vì vậy, việc xây dựng các phương án, biện pháp ứng phó cũng phải phù hợp với diễn biến, điều kiện tình hình thực tế, chứ không phải làm theo kiểu rập khuôn, lấy có”.
Ông LÊ DUY TRINH, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, kiêm Chủ tịch điều hành liên xã Bắc đầm Thị Nại
TRỌNG LỢI