Nhật Bản chuẩn bị ban hành luật cấm nhân viên làm việc 14 ngày liên tiếp
Bộ Y tế Nhật Bản đang có kế hoạch cấm người lao động làm việc 14 ngày liên tiếp trở lên nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần của người lao động và giải quyết vấn đề làm việc quá sức vốn còn nhức nhối tại quốc gia châu Á này.
Theo báo Japan Times, ngày 12.11, một ủy ban chuyên gia thảo luận về các sửa đổi đối với Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động đã đưa ra đề xuất giới hạn số ngày làm việc liên tiếp trong bản phác thảo dự thảo báo cáo về các quy định lao động.
Nhân viên sân bay làm thủ tục cho hành khách tại sân bay Haneda ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/ TTXVN
Theo luật hiện hành, người lao động được phép nghỉ một tuần một ngày, nhưng người sử dụng lao động có thể linh hoạt sắp xếp thành 4 ngày nghỉ liên tiếp trong khoảng thời gian bốn tuần. Điều này có thể khiến một số nhân viên làm việc tới 48 ngày liên tiếp. Ngoài ra, "Thỏa thuận 36" được ký kết giữa người sử dụng lao động và công đoàn lao động có quy định người lao động có thể bị buộc phải làm việc ngay cả vào ngày lễ, xóa bỏ mọi giới hạn về những ngày làm việc liên tiếp.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng nếu như làm việc liên tục trong 14 ngày trở lên có thể khiến sức khỏe tinh thần của người lao động xấu đi. Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế Nhật Bản, cường độ làm việc liên tục như vậy có thể dẫn đến mức độ căng thẳng cao hơn so với làm thêm hơn 120 giờ trong một tháng.
Do đó, thời gian làm việc liên tục là một trong những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần người lao động.
Bên cạnh quy định cấm người lao động làm việc trên 14 ngày liên tiếp, dự thảo sửa đổi Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động cũng đề xuất các quy định đơn giản hóa hệ thống tính giờ làm thêm dựa trên tổng số giờ làm việc từ nhiều công việc và mở rộng đạo luật này áp dụng lên những nhóm lao động khác, như người giúp việc gia đình.
Trong năm tài chính 2023, các yêu cầu bồi thường của người lao động đối với các bệnh về não và tim do căng thẳng quá mức liên quan đến công việc đã lên tới 1.023, tăng 220 so với năm 2022. Số lượng yêu cầu bồi thường được chấp thuận, vượt quá 300 vào năm 2002 và đạt 392 vào năm 2007, đã giảm trong những năm gần đây..
Mặc dù các công ty được khuyến khích triển khai hệ thống thời gian nghỉ ngơi cho nhân viên nhưng luật pháp Nhật Bản vẫn không ràng buộc cũng như không đưa ra quy định thời lượng cụ thể nào được đặt ra cho thời gian nghỉ ngơi. Tại một số quốc gia châu Âu, người lao động được phép nghỉ tối thiểu 11 giờ giữa các ca làm việc.
Trong các cuộc thảo luận tại ủy ban, các chuyên gia đã giới thiệu và xem xét nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với hệ thống thời gian nghỉ ngơi theo ca, bao gồm thiết lập thời gian nghỉ tiêu chuẩn 11 giờ với sự linh hoạt cho các trường hợp miễn trừ cụ thể.
Trong một cuộc khảo sát khoảng 6.400 công ty, 6% số công ty đã triển khai hệ thống thời gian nghỉ ngơi theo ca trong năm tài chính 2023, tăng so với mức 5,8% của năm trước. Tuy nhiên, 19,2% công ty không biết đến hệ thống này, so với 17,1% vào năm 2022. Trong số các công ty không có kế hoạch áp dụng hệ thống này, 23,5% nêu lý do là do không biết về quy định mới.
(Theo Bảo Hà/Báo Tin tức/Theo Japan Times)