Xuất khẩu lao động 10 tháng năm 2024: Nhiều địa phương vượt chỉ tiêu cả năm
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, đến tháng 10.2024, toàn tỉnh có 816 lao động tham gia làm việc tại nước ngoài, đạt 102% kế hoạch cả năm, trong đó có nhiều địa phương vượt gần gấp đôi chỉ tiêu.
Vượt chỉ tiêu
TP Quy Nhơn là địa phương có nhiều ưu thế để vận động người dân tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) do có nhiều DN hoạt động trên lĩnh vực này trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Quy Nhơn, cho biết: “Trong năm 2024, thành phố có 197 người tham gia XKLĐ, đạt 151,5% kế hoạch. Trong đó, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh hỗ trợ cho 22 lao động vay số tiền 1,657 tỷ đồng để XKLĐ; dư nợ cho vay XKLĐ đến nay đạt 3,441 tỷ đồng với 72 người vay”.
Tại TX Hoài Nhơn, đến nay có 165 người tham gia làm việc tại thị trường nước ngoài, đạt 157% so với kế hoạch. Theo ông Đặng Đức Đạo, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TX Hoài Nhơn, để có được kết quả này là sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành tại địa phương.
“Trước đây, thị xã tích cực hỗ trợ người dân, đặc biệt là các hộ có hoàn cảnh khó khăn tham gia XKLĐ và những trường hợp này đã thoát nghèo, có điều kiện để phát triển kinh tế. Đó là những tấm gương thực tế để nhiều người tin tưởng. Hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, hỗ trợ luôn kịp thời, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các lao động”, ông Đạo cho biết.
Ông Nguyễn Văn Quí, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, chia sẻ: “Với chỉ tiêu năm 2024, huyện Tuy Phước có 45 người tham gia làm việc tại nước ngoài, chúng tôi đã nỗ lực và thực hiện nhiều giải pháp để đạt được kết quả tốt nhất có thể. Hiện toàn huyện có 72 người tham gia làm việc tại nước ngoài, đạt 160%”.
Tương tự, TX An Nhơn hiện có 46 người tham gia XKLĐ (chỉ tiêu 40 người), đạt 115%; huyện miền núi An Lão có 45 người XKLĐ (chỉ tiêu 30 người), đạt 150% chỉ tiêu tỉnh giao...
Học sinh, sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn tìm hiểu thông tin về XKLĐ, du học nghề. Ảnh: T.K
Sự chủ động từ nhiều phía
Theo Sở LĐ-TB&XH, 10 tháng năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ XKLĐ đến với người lao động tại các địa phương trong toàn tỉnh. Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định, Bộ CHQS tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định và DN phối hợp tổ chức tuyên truyền, tư vấn về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước cho 1.268 quân nhân là người Bình Định hoàn thành nghĩa vụ quân sự được xuất ngũ về địa phương.
Với chỉ tiêu 30 người tham gia XKLĐ, đầu năm 2024, huyện miền núi An Lão vẫn lúng túng vì người dân còn nhiều lo lắng, ngần ngại. Dù vậy, với sự nỗ lực của toàn huyện, đến nay huyện đã có 45 người tham gia XKLĐ.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão, huyện có rất nhiều người đang trong độ tuổi lao động, tuy nhiên số người tham gia XKLĐ còn hạn chế vì lo lắng về rào cản ngôn ngữ, ngại đi xa và chưa thật sự nắm bắt được chính sách hỗ trợ. Để có được kết quả này, từ đầu năm huyện đã giao chỉ tiêu cho từng xã, cùng với đó, ngành LĐ-TB&XH huyện phối hợp với DN tích cực tuyên truyền, vận động, thậm chí là “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tư vấn từng người dân.
“Những năm trước, huyện không có người dân tộc thiểu số tham gia XKLĐ, năm nay lại có nhiều người tham gia. Thời gian tới, chúng tôi tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tại thôn, xóm, hộ dân với mục tiêu năm 2025 toàn huyện có 50 người tham gia XKLĐ”, bà Hằng cho hay.
Cùng với đó, các DN đưa lao động làm việc tại nước ngoài cũng có nhiều đóng góp tích cực. Bà Nguyễn Thị Thanh Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Du học và nguồn nhân lực quốc tế Nam Thịnh Phát, cho rằng: “Du học nghề là một trong những cách để các em có cơ hội việc làm với mức lương tốt tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên nhiều em còn chưa nắm được thông tin cũng như quy trình tham gia. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các địa phương, trường học để tư vấn cho các em nắm được thông tin từ đó đưa ra định hướng nghề nghiệp và chọn hướng đi cho chính bản thân”.
Vừa đậu đơn hàng với nghề xây dựng tại thị trường Nhật Bản, anh Đoàn Minh Tự (SN 1991, ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) đang chăm chỉ học tiếng Nhật. Anh Tự nói: “Ở xã có nhiều người tham gia XKLĐ mà thoát nghèo, sau đó có được số vốn về nước khởi nghiệp, kinh doanh rất tốt. Tôi hy vọng sớm được làm việc để có thể tích góp, ổn định cuộc sống như những người đi XKLĐ trước tôi”.
THẢO KHUY