Lạm dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp
Thời điểm này, chuẩn bị bước vào vụ Đông Xuân 2024 - 2025, thay vì phát dọn cỏ trước khi gieo sạ theo cách truyền thống, không ít nông dân trong tỉnh lựa chọn cách dùng thuốc để diệt cỏ. Việc lạm dụng thuốc diệt cỏ không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà cả sức khỏe con người.
Theo ghi nhận, từ đầu tháng 11 đến nay, trên nhiều cánh đồng ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, TX An Nhơn…, nhiều nông dân phun xịt thuốc hóa học để diệt trừ cỏ dại. Sau khi phun vài ngày, hầu hết các loại cỏ dại và cả lúa chét đều bị cháy lá, tàn lụi.
Theo lý giải của nhiều nông dân, năm nay ít mưa lũ, cỏ dại phát triển rất mạnh trên đồng ruộng, nếu thuê mướn nhân công để dọn cỏ thì tốn chi phí khá cao, nên sử dụng thuốc trừ cỏ là giải pháp vừa nhanh, vừa tiết kiệm chi phí.
“Thời điểm này, nông dân phun thuốc diệt cỏ khắp nơi. Mỗi khi đi qua những cánh đồng đúng thời điểm đang phun thuốc diệt cỏ, mùi thuốc xộc thẳng vào mũi rất khó chịu. Đặc biệt, những người chăn thả trâu bò trên đồng cũng rất lo lắng và luôn canh chừng, sợ trâu bò ăn phải cỏ đã phun thuốc”, bà Lâm Thị Hồng, ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước cho hay.
Cỏ dại tại một đám ruộng ở thôn Quảng Tín, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) bị cháy úa sau khi nông dân phun thuốc diệt cỏ. Ảnh: N.Q
Ông Lê Thiên Nhàn, chuyên viên Phòng Quản lý trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cảnh báo nguy cơ việc nông dân lạm dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Nhàn, việc sử dụng quá mức thuốc diệt cỏ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người phun thuốc, dư lượng thuốc sau khi thấm vào đất và nước gây tác hại đến môi trường sống của cộng đồng dân cư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đàn vật nuôi. Thuốc diệt cỏ còn tiêu diệt vi sinh vật có ích, gây mất cân bằng sinh thái trên đồng ruộng.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: Tỉnh Bình Định đang hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch để bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Để đạt được mục tiêu này, buộc phải giảm thiểu tình trạng lạm dụng các loại hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. “Trước khi gieo sạ vụ Đông Xuân, nông dân nên tiến hành cày ải đất, ngâm đất ít nhất 20 ngày để diệt trừ cỏ dại. Sau đó, tiến hành vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng, cỏ dại, gốc rạ, lúa chét, cỏ bờ để đưa đi tiêu hủy trước khi bước vào vụ sản xuất mới”, ông Phúc lưu ý.
Trước những tác hại của thuốc bảo vệ thực vật hóa học nói chung, thuốc trừ cỏ nói riêng và tình trạng dùng thuốc tràn lan không tuân thủ các quy định của nông dân, thiết nghĩ các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, để tránh những thiệt hại cho sản xuất, môi trường và sức khỏe cộng đồng.
N.QUÝ