Thế giới sẽ như thế nào khi ông Donald Trump trở lại?
Thế giới sẽ chứng kiến 2 thái cực trái ngược nhau - hy vọng và lo ngại, khi ông Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng vào tháng 1.2025, cộng với thế áp đảo của đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ.
Đối với cuộc chiến tại Ukraine, ông Donald Trump nhiều khả năng tìm cách dàn xếp để Kiev và Moscow ít nhất cũng phải đạt được thỏa thuận ngừng bắn, trước khi tiến tới dàn xếp lâu dài mà có thể khiến Ukraine phải nhượng bộ những khu vực lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát. Ngoài ra, theo các nhà phân tích, người đứng đầu chính phủ Mỹ cũng có thể chấp nhận yêu cầu của Nga về việc ngăn chặn Ukraine trở thành thành viên của NATO. Để đạt được điều này, ông Donald Trump rất có thể một lần nữa dùng chiêu bài đe dọa rời khỏi liên minh quân sự này, nhằm ép các đồng minh châu Âu ký thỏa thuận với Nga.
Về tình hình Trung Đông, từ trước đến nay, ông Donald Trump luôn ủng hộ Israel và Arab Saudi, đồng thời cũng có lập trường cứng rắn hơn với Iran. Điều này lại cực kỳ phù hợp với các ưu tiên hiện tại của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ mới đây như tiếp thêm động lực để Israel hành động quyết liệt hơn. Một số nhà quan sát dự đoán, ông Donald Trump có thể đưa ra lời đề nghị kiềm chế Israel trong việc mặc cả với Nga về vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên, việc kỳ vọng chính quyền mới của Mỹ có thể thúc đẩy chấm dứt chiến sự ở Ukraine và Trung Đông cũng dẫn đến nguy cơ gia tăng giao tranh, nhằm tạo ra một hiện trạng mới mà các bên cho là dễ chấp nhận hơn. Với Ukraine, điều này sẽ làm tổn hại đến sự bền vững của bất kỳ thỏa thuận nào giữa nước này với Nga, trong khi ở Trung Đông, nếu không giải quyết căn nguyên của xung đột, chưa nói đến hòa bình, sự ổn định trong khu vực cũng sẽ là điều không thể.
Ông Donald Trump từng cam kết tăng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 60%. Ảnh: Kevin Lamarque/Reuters
Trong khi Ukraine và Trung Đông là 2 khu vực sẽ có những thay đổi rõ rệt, thì quan hệ với Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp diễn như trước hơn là thay đổi, bởi chính quyền của Tổng thống Joe Biden vốn đã tiếp nối nhiều chính sách mà người tiền nhiệm từng thông qua trong nhiệm kỳ đầu tiên. Trong lần trở lại này, ông Donald Trump được dự báo tăng thuế nhập khẩu, nhưng cũng có thể cởi mở hơn trong các thỏa thuận, giao dịch thực tế với Bắc Kinh. Với các nước khác ở châu Á, cũng giống như quan hệ với các đồng minh châu Âu trong khối NATO, một câu hỏi lớn vẫn còn treo lơ lửng về cam kết của Mỹ đối với Đài Loan (Trung Quốc) và các đồng minh hiệp ước khác trong khu vực, như Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản. Mối quan hệ lúc hợp lúc tan với Triều Tiên trong nhiệm kỳ đầu tiên cho thấy ông Donald Trump sẵn sàng vượt giới hạn, đẩy bán đảo liên Triều cận kề chiến tranh vào bất kỳ thời điểm nào, như những gì từng xảy ra vào năm 2017 trong động thái đáp trả việc Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Các nhà phân tích tại tập đoàn tài chính Macquarie nhận định, chiến thắng của ông Donald Trump là “tin xấu cho châu Á”, nhất là Trung Quốc, nhưng khu vực này “đã có sự chuẩn bị tốt hơn” so với năm 2016.
Thế giới chỉ còn hơn 2 tháng để chuẩn bị cho việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và chính sách đối ngoại mới của Mỹ. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông có thể là gợi ý cho những gì có thể diễn ra, nhưng theo cựu Giám đốc tình báo quốc gia Richard Grenell, ông Donald Trump là người không thể đoán định và điều duy nhất mà thế giới nên tính đến đó là sự thay đổi vốn đã trở thành thương hiệu của vị Tổng thống thứ 47 của Mỹ này.
LÊ QUẢNG (Theo The Conversation, CNBC)