Trường làng
Tạp bút của TRẦN VĂN THIÊN
Tháng mười một, tôi nhớ những sớm mùa đông da diết gió lạnh, tôi cùng chúng bạn bước trên con đường đất hẹp đến trường. Miền hồi tưởng bao la dẫn tôi về một khung cảnh thâm thẫm sương sớm ven đầm. Chúng tôi trong bộ quần xanh, áo trắng đã phai màu, đôi dép cũ mòn lấm đất, bé nhỏ bước đi tựa một đàn chim non xôn xao. Đường đi học loang lổ những vũng nước mưa, bên cánh đồng mùa nước tràn trắng xóa. Trường làng tôi nằm ở một khúc quanh, vi vút gió mùa thổi qua những rặng phi lao trước cổng.
Tôi nhắm mắt lại hình dung mình hóa thành dòng sông dịu dàng chảy qua miền tâm tưởng. Trường làng tôi hiện ra giản dị và khiêm nhường đến nao lòng, dấu rêu xanh óng trên mái ngói nâu trầm sương gió.
Học trò ở hai xã Phước Hòa, Phước Thắng thuộc huyện Tuy Phước ngày đó học chung một trường, nên trường có tên là Hòa Thắng. Chỉ có hai dãy phòng đối diện hai bên một mảnh sân nhỏ, trường làng tôi nép mình dưới bóng cây me già trổ những mùa hoa đằm thắm. Gốc bàng mùa đông man mác trút từng phiến lá đỏ, giữa buổi sương trầm tựa những đốm lửa gầy thấp thoáng nao nao. Sau lưng trường, triền cỏ ngời xanh một khung trời ong bướm, dưới lũy tre quê bốn mùa cong vút tựa mảnh trăng chiều neo giữa giấc ca dao.
Vỏn vẹn chỉ vài lớp học mỗi khối lớp, với phòng học màu tường sơn bạc cũ, lác đác những mảng tường bong tróc, viền bảng đen bụi phấn bám dày, những chiếc bàn gỗ dài mòn nhẵn bóng thời gian, mặt bàn hằn in nét mực chữ học trò, bàng bạc vết tích năm tháng... Trường làng tôi nghèo mọi thứ, chỉ giàu có mỗi một - yêu thương.
Trường làng tôi ở cạnh cánh đồng ngun ngút gió, nhìn ra một nhánh sông dài của dòng Côn miên mải xanh, đôi khi văng vẳng tiếng gõ mạn thuyền. Mùa gió lộng, chúng tôi mở hết cửa sổ để ngọn gió sông Hà Dơi ùa vào lớp, tựa bầy con nít nô đùa trên những trang sách thơm.
Chúng tôi hồn nhiên lớn lên giữa từng mùa đất nẻ rạn gót chân cha, lũ tràn bão quét rơm rớm mắt mẹ. Nhưng giấc mơ đêm đêm vẫn luôn mang hình hài con chữ. Từng cuốn sách cũ phảng phất mùi thời gian được giữ gìn cẩn thận, bởi anh chị học xong sẽ để lại cho những đứa em nhỏ. Học trò quê một buổi tới trường, một buổi lặn lội bờ sông mò cua, câu cá, hay lụi cụi bên bếp lửa nấu bữa cơm chiều khi cha mẹ còn tất bật đồng xa. Nước da ram rám ngấm phèn chua nước mặn. Mỗi sớm mai gió lạnh hun hút, hay buổi đứng bóng nắng đổ như nung, những vòng xe đạp cũ mòn vẫn cút kít lăn lăn trên lối nhỏ đến trường.
Tranh của họa sĩ VŨ DUY VĨNH
Sớm nay, mẹ tôi gọi điện bảo, ở Tuy Phước quê nhà gió mùa đã về ngang liếp cửa. Và khi tôi viết những dòng này, lòng lại bồi hồi nhớ cô giáo trường làng tôi. Những hình dung vẽ ra trong tâm trí tôi dáng người nhỏ thấp của cô, cùng bao lẽ giản dị và chân thật.
Tôi nhớ mãi tiết học văn buổi ấy, cô đã lặng lẽ khóc khi đọc cho chúng tôi nghe một đoạn văn trong bài “Kẹo Mầm” của nhà văn Băng Sơn: “Mẹ tôi đã mất. Chị tôi đi lấy chồng xa… Cứ mỗi lần có ai đi qua rao lên: “Ai đổi kẹo”, tôi lại tưởng như thấy mẹ tôi ngồi đầu hè gỡ tóc bằng cái lược gỗ màu vàng vàng, đầu mẹ nghiêng nghiêng, sóng tóc đổ dài một bên vai, và rồi mẹ vuốt cái lược, vo vo nắm tóc, giắt nó lên mái hiên nhà… Que kẹo mầm tuổi thơ… Mẹ ơi… Còn có bao giờ con được thấy mẹ ngồi gỡ tóc như thế nữa”.
Cô khóc vì nhớ mẹ. Người mẹ làm công nhân lò gạch tảo tần, chắt chiu từng tờ tiền lẻ nuôi mấy chị em cô khôn lớn, bấy giờ đã mãi đi xa. Đọc đến những dòng cuối, giọng cô bắt đầu nghẹn lại. Cả lớp im bặt vì những giọt nước mắt của cô đã khởi đầu cho bao hồi tưởng, lay động cả những trái tim non nớt. Tôi bắt đầu tha thiết cùng những con chữ có lẽ cũng từ ngày đó. Những trang văn như sóng sánh một thứ ánh sáng xao động tâm hồn tôi, ánh sáng từ miền rung cảm thẳm sâu lòng người, và sau cùng là một tình thương dịu vợi.
Trường làng tôi giờ đã xênh xang áo mới. Nhiều cung đường được mở ra, đời sống ở miền thôn dã ven đầm không còn chật vật như trước, đàn em nhỏ áo trắng tinh tươm đến trường. Tôi muốn cảm ơn cô giáo tôi vì đã dịu dàng mở ra trong tôi những cánh cửa nơi tâm hồn. Để tôi bước vào và sống mãi cùng bao vẻ đẹp bất tận của đời sống này, rồi nhận ra vẻ đẹp tâm hồn là vẻ đẹp không gì thay thế được.