Xử phạt hơn 109 tỷ đồng liên quan khai thác thủy sản bất hợp pháp
Ngày 15.11, tại TP Nha Trang, Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo "thẻ vàng" và phát triển thủy sản bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật về chống khai thác IUU và chuẩn bị nội dung, kế hoạch làm việc với Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5.
Sau 7 năm triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam, nước ta đã có một số kết quả như: hoàn thiện khung pháp lý, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu, thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm được tăng cường...
Đại diện các ban, bộ, ngành và các địa phương ven biển tham dự hội nghị
Sau đợt thanh tra lần 4 vào tháng 10.2023, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 37/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định 26/2019; Nghị định 38/2024 thay thế Nghị định số 42/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Trong đó, bổ sung quy định về kiểm soát thủy sản khai thác nhập khẩu từ tàu container, xử phạt tàu cá vượt vùng được phép khai thác trên biển. Đặc biệt, tháng 6/2024, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý các hành vi liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Các địa phương đã khởi tố các vụ án hình sự liên quan đến hợp thức hóa hồ sơ, giám sát hành trình, xuất cảnh trái phép đưa tàu cá đi khai thác bất hợp pháp. Sau đợt thanh tra lần thứ 4, hơn 4.200 trường hợp bị xử phạt với tổng số tiền hơn 109 tỷ đồng, trong đó, hơn 20 vụ khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá
Chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo thẻ "Thẻ vàng", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục các hạn chế; Khoanh vùng đối tượng, địa bàn trọng điểm, phát hiện, ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa ngay trong bờ các tàu cá, ngư dân có ý định khai thác bất hợp pháp.
Các địa phương và cơ quan chức năng tăng cường lực lượng, phương tiện tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước, ngăn chặn, xử lý kịp thời các tàu cá có ý định vi phạm vùng biển nước ngoài; Kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm không để tàu cá không đảm bảo đủ điều kiện đi khai thác.
Các đơn vị, địa phương kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ thực thi công vụ được giao, dung túng, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU...
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục Trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các địa phương cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, đảm bảo có kết quả, số liệu cụ thể để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5
"Các ngành, địa phương đang quyết tâm, quyết liệt triển khai khắc phục những tồn tại trong quản lý tàu cá, cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, so với yêu cầu của EC, còn rất nhiều việc chúng ta cần phải làm. Chúng tôi rất mong muốn EC ghi nhận những nỗ lực, tiến bộ của Việt Nam trong thời gian. Những việc tồn tại, chúng tôi sẽ quyết tâm khắc phục, tiến tới nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Thái Bình (VOV)