Chủ động, tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh
Sốt xuất huyết gia tăng vào mùa cao điểm, trong khi bệnh sởi vẫn ghi nhận ca mắc, trước tình hình này, Sở Y tế yêu cầu tiếp tục chủ động, tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là địa bàn TP Quy Nhơn.
Theo Sở Y tế, đến nay toàn tỉnh ghi nhận 234 ổ dịch/hơn 3.000 ca sốt xuất huyết, tăng 73% số ổ dịch, tăng 26% số ca mắc so với cùng kỳ năm ngoái. Các tuần gần đây số lượng ca bệnh sốt xuất huyết tăng cao, đơn cử tuần vừa qua có đến 185 ca, tăng 45 ca so với tuần trước liền kề. Trong 88 trường hợp sốt phát ban ghi nhận được, đã xác định 19 ca dương tính với sởi.
Đáng lưu ý là TP Quy Nhơn có tới 23 ổ dịch sốt xuất huyết/564 ca và 16 trường hợp mắc bệnh sởi.
Chủ động phun hóa chất diệt muỗi
Nhằm chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, sáng 17.11, TTYT TP Quy Nhơn và Trạm Y tế phường Nhơn Bình tổ chức phun hóa chất diệt muỗi. Địa bàn phường rộng, dân cư đông nên chiến dịch triển khai ở 9 khu phố cần đến 2 đợt/6 ngày, từ 17 - 19.11 và 22 - 24.11. Bà Phạm Thị Lệ Hường (74 tuổi, ở khu phố 2) bày tỏ phấn khởi: “Mấy hôm rồi mưa, ở đây có chỗ đọng nước nên tôi cũng lo phát sinh muỗi gây bệnh sốt xuất huyết, giờ có cán bộ y tế phun hóa chất thì tốt quá!”.
Phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) sáng 17.11. Ảnh: M.H
Nhơn Bình là địa phương mới nhất của địa bàn Quy Nhơn ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết trong tuần vừa qua. Điều dưỡng Trần Thị Bích Trâm, Phó trưởng trạm phụ trách Trạm Y tế phường Nhơn Bình, chia sẻ: Đến ngày 16.11 phường có 47 ca sốt xuất huyết ở 9 khu phố, tăng 10 trường hợp so với năm 2023. Trước chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động, trạm phối hợp với các hội, đoàn thể ở khu phố tổ chức diệt bọ gậy, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng muỗi đốt, chủ động làm sạch, lật úp các dụng cụ chứa nước, không cho muỗi có môi trường sinh sản.
Chiến dịch diệt bọ gậy và chủ động phun hóa chất được TP Quy Nhơn tổ chức từ ngày 28.10 - 10.12; tập trung ưu tiên ở 5 phường trọng điểm có số mắc, ổ dịch tăng cao: Nhơn Bình, Nhơn Phú, Trần Quang Diệu, Ngô Mây, Quang Trung.
Bác sĩ Lê Văn Chiến, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (TTYT TP Quy Nhơn), cho hay: Hiện đang mùa mưa, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết rất cao. Giám sát cộng đồng cho thấy chỉ số BI (số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes trong 100 nhà điều tra) tại TP Quy Nhơn trên 10, riêng 5 phường trọng điểm hơn 20; còn chỉ số DI (mật độ hoạt động muỗi vằn) tăng hơn 0,5 con muỗi/nhà. Cùng với đợt phun hóa chất diệt muỗi chủ động, ngành y tế thành phố còn tổ chức 2 đợt diệt bọ gậy từ ngày 24.10 - 2.11 và cuối tháng 12.2024.
“Trong khi đó, để khẩn trương ngăn chặn số ca mắc sởi tăng, cuối tháng 10 đến nay thành phố triển khai chiến dịch tiêm bù, tiêm vét vắc xin phòng sởi, sởi - rubella cho trẻ 9 tháng tuổi đến 5 tuổi chưa được tiêm, hoặc chưa tiêm đủ mũi sởi, sởi - rubella tại 10 phường trọng điểm có ca bệnh. Hiện đã có 196/581 trẻ (33,7%) được tiêm mũi sởi, 500/1.351 trẻ (37%) được tiêm mũi sởi - rubella. Số còn lại tiếp tục tiêm theo lịch tiêm chủng mở rộng định kỳ hằng tháng”, ông Chiến chia sẻ.
Tăng cường giám sát, kiểm soát dịch bệnh
Không chỉ có số ca sốt xuất huyết, sởi tăng cao, tỉnh Bình Định còn đối diện với hơn 300 ca mắc tay - chân - miệng; 15 ca bệnh viêm phổi nặng do vi rút, đã xác định 4 ca dương tính với cúm A/H1pdm, 1 ca dương tính với cúm B (trong số này 2 ca tử vong dương tính với cúm A/H1pdm tại Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ).
Tình hình thời tiết thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh và các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, phát triển. Để chủ động ứng phó, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, TTYT các huyện, thị xã, thành phố chủ động tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phòng, chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người; tiếp tục tăng cường rà soát tổ chức tiêm bù, tiêm vét các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên, ngành Y tế cũng chỉ rõ ý thức vệ sinh phòng bệnh của một bộ phận người dân vẫn còn chưa tốt, sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương một số nơi chưa cao là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao cần sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, hội, đoàn thể, người dân.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng đã lưu ý các đơn vị y tế trực thuộc, từ nay đến cuối năm tiếp tục tăng cường giám sát và kiểm soát dịch sởi, đặc biệt trên địa bàn TP Quy Nhơn, phải xử lý triệt để, dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan và đẩy mạnh công tác tiêm chủng cho các đối tượng chưa tiêm. Theo dõi sát sao dịch sốt xuất huyết, nhất là địa bàn đang có số lượng ổ dịch cao như Quy Nhơn, Tây Sơn. Chủ động kiểm soát dịch cúm A/H1N1, theo dõi chặt chẽ trường hợp viêm phổi nặng và báo cáo kịp thời. Các cơ sở khám chữa bệnh phải xác minh chẩn đoán cho các trường hợp xuất viện và loại trừ ca bệnh chưa rõ ràng…
MAI HOÀNG