Trung Quốc tuyên bố hoàn thành dự án đường ống dẫn khí đốt với Nga
Trung Quốc ngày 18.11 cho biết, dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên tuyến phía Đông Trung Quốc-Nga đã hoàn thành trên toàn tuyến và bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng trước khi đi vào vận hành.
Thông tin trên vừa được Tập đoàn Mạng lưới Đường ống dầu khí Quốc gia Trung Quốc (PipeChina) công bố ngày 18.11.
Đường ống dẫn khí đốt tuyến phía Đông Trung Quốc-Nga dài 5.111 km, chạy từ thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang đến thành phố Thượng Hải, đi qua 9 tỉnh, thành của Trung Quốc. Sau khi hoàn thành trên toàn tuyến, 38 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên sẽ được cung cấp ổn định hàng năm cho 3 tỉnh miền Đông, khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc và đồng bằng sông Dương Tử (Trường Giang), đáp ứng nhu cầu sử dụng khí đốt của khoảng 130 triệu hộ gia đình thành thị trong một năm.
Ảnh minh họa: ADB
Theo Tân Hoa xã, đây là đường ống dẫn khí đốt dài xuyên biên giới thứ ba cung cấp khí đốt cho Trung Quốc sau đường ống Trung Á và đường ống Trung Quốc-Myanmar.
Đoạn phía Bắc của đường ống này, từ Hắc Hà Hắc Long Giang đến Trường Lĩnh Cát Lâm, đã chính thức đi vào hoạt động vào ngày 2.12.2019. Đoạn giữa của đường ống, từ Trường Lĩnh Cát Lâm đến Vĩnh Thanh Hà Bắc, chính thức đi vào hoạt động tháng 12.2020, giúp khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc có thể sử dụng trực tiếp khí đốt của Nga. Sau khi hoàn thành phần phía Nam, khí đốt của Nga sẽ đi qua đường ống này đến Thượng Hải, với lượng khí dự kiến hơn 50 triệu mét khối mỗi ngày.
Đường ống dẫn khí đốt tuyến phía Đông Trung-Nga là một thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Trung Quốc và Nga vào năm 2014 nhằm cung cấp khí đốt từ Đông Siberia của Nga đến vùng Đông Bắc, phía Bắc và phía Đông Trung Quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu khí đốt ngày càng tăng của nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) gọi đây là tuyến đường ống dẫn khí tự nhiên đẳng cấp toàn cầu, có thể giảm phát thải 164 triệu tấn carbon dioxide (CO2) và 1,82 triệu tấn sulfur dioxide (SO2) mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc tối ưu hóa cơ cấu tiêu thụ năng lượng, thúc đẩy chuyển đổi xanh trong phương thức phát triển, giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu “carbon kép” (tức đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và trung ḥa carbon vào năm 2060).
Theo Bích Thuận (VOV)