Hồi sinh vùng đất “khát”
Từ vùng đất trắng “nhìn đâu cũng thấy mì với lang”, dựa vào nước tự nhiên là chính, vùng rẻo xa Bình Thuận (huyện Tây Sơn) nay trở nên trù phú hơn, khi được tận hưởng nguồn nước mát từ các hệ thống thủy lợi mang lại.
Trò chuyện với người dân địa phương, họ đều khẳng định nếu không có nước từ các hệ thống thủy lợi, xã Bình Thuận rất khó có sự thay đổi như bây giờ. Năm 2021, UBND tỉnh đã đầu tư 14 tỷ đồng xây dựng Trạm bơm Chà Rang cùng hệ thống kênh để phục vụ tưới cho hơn 40 ha đất sản xuất nông nghiệp ở thôn Thuận Hạnh.
Nguồn nước tưới ổn định giúp người dân xã Bình Thuận sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, nhất là trồng cây đậu phụng. Ảnh: H.P
Cánh đồng Chà Rang - nơi cách đây 3 năm việc sản xuất lúa chủ yếu là gieo khô, ăn nước trời, giờ đã trở thành cánh đồng tươi tốt. “Khi hệ thống thủy lợi được đầu tư, cảnh chống hạn cũng không còn. Đất tại cánh đồng này thuộc loại tốt nhất của xã, bởi hàm lượng đất sét dưới ruộng rất cao. Vì vậy, khi có nước tưới, bà con trồng lúa hay trồng đậu phụng đều mang lại hiệu quả cao”, Bí thư Chi bộ thôn Thuận Hạnh Nguyễn Đình Kiều chia sẻ.
Toàn xã Bình Thuận có khoảng 2.500 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đến nay có khoảng 80% diện tích đất đã chủ động được nước tưới nhờ hệ thống kênh tưới Văn Phong, Thuận Ninh. Đặc biệt, dự án kênh tưới thôn Thuận Hạnh, Thuận Hiệp với kinh phí
60 tỷ đồng do UBND tỉnh đầu tư cũng đã hoàn thành và đưa vào vận hành trong vụ sản xuất Đông Xuân sắp tới. Khi đó, khoảng 230 ha đất sản xuất nông nghiệp thôn Thuận Hạnh và Thuận Hiệp sẽ có nguồn nước tưới ổn định. Hiện nay, xã đang hướng dẫn người dân đăng ký, làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất rừng sản xuất sang đất trồng cây hằng năm để cấp có thẩm quyền phê duyệt; vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây keo sang cây đậu phụng.
Anh Nguyễn Đình Hòa (thôn Thuận Hiệp) cho biết, khu đất hơn 1 ha của gia đình do không có nước tưới nên phải trồng keo, nay đã chuyển sang trồng đậu phụng. “Có nước tưới rồi trồng đậu phụng không bao giờ lỗ. Thậm chí làm một mùa đậu có hiệu quả bằng cả một chu kỳ 5 năm trồng keo”, anh Hòa bày tỏ.
Theo Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Đặng Văn Hiền, nhờ có nguồn nước ổn định, sản xuất nông nghiệp ở địa phương rất thuận lợi. Trong đó, địa phương xác định cây đậu phụng là cây trồng chủ lực. Riêng vụ Đông Xuân 2023 - 2024, có trên 831 ha đất trồng đậu phụng (tăng hơn 13 ha so với cùng kỳ), năng suất bình quân đạt 46,9 tạ/ha
(tăng 3 tạ/ha), sản lượng đạt 3.899 tấn; vụ Hè Thu đã xuống giống 354,4 ha (tăng so với cùng kỳ 212 ha), hiện cây đậu đang sinh trưởng phát triển tốt. Hầu như năm nào đậu phụng cũng được mùa được giá, nông dân có lãi bình quân 45 - 50 triệu đồng/ha với thời gian trồng chỉ 3 tháng.
HỒNG PHÚC