Nỗ lực đưa văn học, nghệ thuật địa phương vào trường học
Nhiều năm qua, để đưa văn học, nghệ thuật vào cuộc sống nói chung và trường học nói riêng, Hội VHNT Bình Định đã tổ chức các cuộc giao lưu thực tế với các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đây là một kênh phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật địa phương đến với công chúng trẻ một cách sinh động và gần gũi nhất.
Chiều 16.11 vừa qua, Chi hội Văn học (Hội VHNT Bình Định) phối hợp với Trường THPT Hòa Bình (TX An Nhơn) tổ chức chương trình giao lưu văn học, nghệ thuật với giáo viên, học sinh nhà trường. Đây là lần đầu tiên học sinh Trường THPT Hòa Bình được nắm bắt về diện mạo, thành tựu của vùng đất được mệnh danh là “miền đất Võ, xứ văn chương”. Đó là những câu chuyện về nhà văn hóa lớn của đất nước như Đào Tấn, Đào Duy Từ…; chân dung văn nghệ sĩ nổi bật của Bình Định nói chung và vùng đất An Nhơn nói riêng, đến những đóng góp to lớn của nhóm Bàn thành tứ hữu (gồm 4 nhà thơ: Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên)… Cả những hoạt động sáng tác trong tỉnh, một số tác phẩm của người viết trẻ và cách để bồi dưỡng tình yêu văn chương, nghệ thuật cũng được truyền tải hết sức tự nhiên, gần gũi.
Ngoài ra, thầy và trò Trường THPT Hòa Bình còn được giao lưu với các nghệ sĩ của tỉnh qua hoạt động minh họa hô thai bài chòi, khái lược những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật bài chòi, hát bội, thực trạng hoạt động của 2 loại hình nghệ thuật đặc sắc trên địa bàn tỉnh.
Ngoài những khái lược chung, các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ còn trả lời thêm những thắc mắc của học sinh Trường THPT Hòa Bình, giúp các em bồi dưỡng thêm kiến thức văn học, nghệ thuật tại buổi giao lưu. Ảnh: KIỀU VY
Em Lý Hồng Nhung, học sinh lớp 12, Trường THPT Hòa Bình, chia sẻ: Đây là dịp giao lưu rất hữu ích đối với học sinh chúng em. Bởi không dễ để gặp gỡ và trò chuyện với những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ lớn trong tỉnh; được lắng nghe và tiếp cận với những câu chuyện thực tế mà hiếm có trong sách vở. Đây sẽ là những tư liệu giúp em bồi dưỡng thêm kiến thức về văn học, nghệ thuật của mình.
Trong vài năm gần đây, Hội VHNT Bình Định đã tổ chức các cuộc giao lưu văn học, nghệ thuật tương tự tại các trường: THCS Ân Thạnh (huyện Hoài Ân), THPT Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), THPT số 2 An Nhơn (TX An Nhơn)…, hay giao lưu văn học và sân khấu tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn).
Điều đáng mừng, những cuộc giao lưu này được tổ chức xuất phát từ “cầu nối” là những giáo viên của trường chủ động đề xuất với Hội VHNT Bình Ðịnh. Ông Trần Quang Khanh - Phó Chủ tịch Hội VHNT Bình Ðịnh, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định, cho biết: Gần đây, các buổi gặp gỡ được tổ chức nhiều hơn nhờ sự kết nối của giáo viên đang công tác tại một số trường. Không còn giới hạn trong những buổi giao lưu về văn học, một số trường học đặt vấn đề với Hội, mong muốn các nghệ sĩ gợi mở thêm về lĩnh vực nghệ thuật để học sinh biết thêm về hoạt động nghệ thuật tỉnh nhà. Điều dễ nhận thấy, các buổi giao lưu chuyên đề về hát bội, bài chòi, âm nhạc, mỹ thuật, văn học… được các em hào hứng tham gia, có sự trao đổi hai chiều với văn nghệ sĩ.
Khẳng định ý nghĩa, tính cần thiết của việc đưa văn học, nghệ thuật địa phương vào nhà trường, một số giáo viên rất quan tâm đến hình thức tổ chức chương trình giao lưu sao cho hiệu quả, lôi cuốn học sinh tham gia.
Cô Nguyễn Thị Huê, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Hòa Bình, cho rằng: Thông qua những buổi giao lưu với tác giả địa phương, giáo viên và học sinh hiểu hơn về tình hình phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh nhà, tăng thêm hành trang, kiến thức văn chương về vùng đất mình sinh ra. Đây là những tư liệu sống mà các em có thể tiếp cận, học hỏi thêm ngoài những tiết học môn Giáo dục địa phương do thầy cô giảng dạy. Điều này rất hữu ích cho các em, nhất là học sinh yêu mến và muốn lựa chọn văn học, nghệ thuật làm hướng đi cho tương lai.
KIỀU VY