Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp môn: Tạo động lực phát triển giáo dục trong giai đoạn mới
Với mục tiêu không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT liên tục bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đến nay, Bình Định được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về công tác bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp, có đội ngũ giáo viên đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu mới trong giảng dạy.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn. Ảnh: NVCC
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11), Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn đã trò chuyện với Báo Bình Định về những mục tiêu, thành tựu và thách thức trong công tác này.
* Một trong những nền tảng cơ sở để Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 thành công là bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp môn. Và đây cũng là cái khó của nhiều địa phương, Sở đã xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Việc bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp là yếu tố cốt lõi trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Mục tiêu chính là giúp các thầy cô có đủ kiến thức và kỹ năng để dạy các môn tích hợp. Tích hợp ở đây không chỉ dừng ở việc giảng dạy liên môn mà còn giúp học sinh có cái nhìn bao quát hơn, biết cách kết nối kiến thức liên ngành và ứng dụng vào thực tiễn. Để làm được điều này, giáo viên cần được trang bị không chỉ về chuyên môn mà còn cả về phương pháp sư phạm hiện đại. Cùng với nỗ lực của cán bộ, giáo viên trong ngành, chúng tôi xử lý thành công vấn đề này còn nhờ được lãnh đạo tỉnh quan tâm, được các thầy cô ủng hộ rất nhiều.
* Bình Định được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp, đề nghị ông chia sẻ thêm về sự quan tâm, ủng hộ vừa nhắc tới…
- Phải nói rằng UBND tỉnh quan tâm rất sát sao khi chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ban, ngành trong công tác tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Ngay khi Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch số 270/KH-BGDĐT ngày 2.5.2018 về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình sách giáo khoa mới và Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24.1.2019 về việc hướng dẫn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), Sở GD&ĐT lập tức tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3387/QĐ-UBND ngày 20.9.2019, nhằm triển khai chương trình GDPT mới trên toàn tỉnh.
Việc tham gia các lớp bồi dưỡng để dạy tích hợp là nhiệm vụ của giáo viên để đáp ứng Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên để có được kết quả tốt nhất chúng tôi động viên thầy cô, phối hợp với các địa phương để cùng động viên, tiếp thêm động lực để các thầy cô tập trung thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, từ năm 2020, Sở đã phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Quy Nhơn bồi dưỡng cho giáo viên, giúp giáo viên nắm bắt phương pháp giảng dạy tích hợp. Đến nay, đội ngũ giáo viên dạy theo chương trình tích hợp môn cơ bản đã đáp ứng đúng, đủ theo Chương trình GDPT 2018.
Việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tích hợp môn nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các trường THCS.
- Trong ảnh: Một tiết học tại Trường THCS Phước Thuận (huyện Tuy Phước). Ảnh: HỒ ĐIỂM
* Cùng với TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Định được đánh giá là đơn vị làm tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ dạy tổ hợp môn ngay từ thời điểm mới triển khai. Ông có thể cho biết cụ thể hơn, trong các năm qua, công tác bồi dưỡng đã diễn ra như thế nào?
- Chúng tôi đã tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng chuyên sâu cho giáo viên dạy liên môn. Cụ thể, đã có 204 giáo viên môn Tin học và Công nghệ cấp tiểu học, 901 giáo viên môn Khoa học tự nhiên và 512 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS được tham gia các khóa học. Qua đó, giúp giáo viên nắm vững chuyên môn, tạo ra không gian cho họ chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi phương pháp sư phạm hiện đại từ các chuyên gia và đồng nghiệp.
Với quyết tâm của toàn tỉnh trong công tác đổi mới giáo dục, cùng với sự đồng hành của các trường đại học lớn, đội ngũ giáo viên Bình Định không chỉ hoàn thiện kiến thức và kỹ năng mà còn trở nên linh hoạt, sáng tạo hơn trong giảng dạy; hứa hẹn sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự nghiệp “trồng người”, đưa nền giáo dục của tỉnh phát triển bền vững trong tương lai.
* Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động bồi dưỡng giáo viên vẫn còn nhiều thách thức, vậy đâu là vấn đề chúng ta đang đối mặt và hướng khắc phục như thế nào?
- Hoạt động bồi dưỡng gặp không ít khó khăn, khi một số giáo viên vẫn còn bỡ ngỡ trong quá trình tiếp cận, vì đây là một hướng tiếp cận mới. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm để giúp giáo viên trao đổi ý kiến và tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Mặt khác, các học viên cũng chủ động kết nối, trao đổi với giảng viên đứng lớp.
Đặc biệt, Sở luôn lắng nghe phản hồi từ giáo viên để có thể điều chỉnh và cải tiến phương pháp bồi dưỡng, nhằm giúp giáo viên tiếp cận một cách linh hoạt và hiệu quả nhất.
Giáo viên Trường Tiểu học Cát Tiến (huyện Phù Cát) thường xuyên tra cứu thông tin, nâng cao chất lượng giảng dạy. Ảnh: HỒ ĐIỂM
* Ngành Giáo dục có kế hoạch duy trì chất lượng và hiệu quả của công tác bồi dưỡng giáo viên trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
- Sau khóa học, các học viên chủ động kết nối và tham gia vào các nhóm, hệ thống học liệu trực tuyến với các tài liệu, bài giảng và video, từ đó giúp giáo viên tiếp cận kiến thức mới một cách linh hoạt. Hiện, các tổ chuyên môn tại các trường cũng tích cực trao đổi, góp ý lẫn nhau trong quá trình dạy và học. Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích các thầy cô tham gia các khóa học nâng cao và các hội thảo chuyên ngành để tiếp tục hoàn thiện bản thân.
Hiện nay, các trường đại học sư phạm trên cả nước và các trường đại học có khoa sư phạm đã tích cực mở ngành và tổ chức đào tạo giáo viên dạy tích hợp các môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và các môn xã hội (Lịch sử, Địa lý), đảm bảo nguồn tuyển dụng giáo viên dạy tích hợp theo Chương trình GDPT 2018, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy chương trình mới.
Nguồn: BTV
*Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 ông có điều gì muốn nhắn nhủ đến các giáo viên, cán bộ đang công tác trong ngành Giáo dục?
- Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để xã hội ghi nhận và tôn vinh những đóng góp thầm lặng của các thầy cô giáo, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc tới các thầy cô đã cống hiến và gắn bó với nghề. Các thầy cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là những người truyền cảm hứng, hình thành nhân cách và động lực cho học sinh.
Mong rằng các thầy cô sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, không ngừng đổi mới, sáng tạo để xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà trong thời gian tới!
* Xin cảm ơn ông!
HỒ THỊ ĐIỂM (Thực hiện)