Những phụ nữ giữ bình yên thôn, làng
Các tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn xã An Tân, huyện miền núi An Lão hiện có 18 thành viên, trong đó có 3 thành viên là nữ. Đây là xã duy nhất ở An Lão có nữ tham gia tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Căn cứ vào đặc điểm tình hình từng địa bàn, CA xã An Tân tham mưu tuyển chọn các chị em vào lực lượng tham gia tổ bảo vệ ANTT ở 3 thôn Gò Đồn, Tân Lập, Thuận Hòa.
Trung tá Bành Trọng Tá, Trưởng CA xã An Tân, cho biết: “Ở địa bàn xã An Tân rất cần những phụ nữ trong lực lượng bảo đảm ANTT ở cơ sở. Sau gần 4 tháng thực hiện nhiệm vụ, các chị đã dần làm quen và bắt đầu phát huy ưu điểm của phụ nữ trong công việc, hỗ trợ tích cực cho lực lượng CA xã trong công tác nắm tình hình, quản lý đối tượng và biện pháp giải quyết kịp thời vấn đề ngay từ mới phát sinh ở cơ sở”.
Chị Đinh Thị Lộc (34 tuổi, người dân tộc H’re) tham gia tổ bảo vệ ANTT thôn Gò Đồn. Trước đó, chị có nhiều năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Gò Đồn, có kinh nghiệm tham gia các phong trào, nên nhanh chóng bắt nhịp nhiệm vụ.
Thôn Gò Đồn hiện có 100% hộ dân là người dân tộc H’re. Từ ngày tham gia lực lượng bảo vệ ANTT, chị Lộc luôn sâu sát đời sống để tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa ở thôn. “Với mong muốn góp một phần công sức vào bảo vệ ANTT ở địa phương nên tôi quyết tâm tham gia lực lượng ANTT cơ sở. Với nhiệm vụ được giao, thời gian qua tôi đã cố gắng vận động bà con xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trong đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng gia đình văn minh, cuộc sống bình yên hơn”, chị Lộc chia sẻ.
Chị Trương Thị Mỹ Lệ, thành viên tổ ANTT thôn Tân Lập, cùng CA xã An Tân đi nắm tình hình ANTT địa phương. Ảnh: T.LONG
Nhờ biết phát huy thế mạnh của phụ nữ như sự gần gũi, nhẹ nhàng, thường xuyên chuyện trò thân mật, chịu khó lắng nghe, nên những thông tin từ người dân liên quan đến ANTT luôn được các chị nắm bắt kịp thời, cung cấp và hỗ trợ lực lượng CA xã giải quyết nhanh chóng; từ đó, hạn chế các vụ việc phức tạp, góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân trong thôn.
Không những thế, các chị còn là người đi đầu, tích cực tuyên truyền, thuyết phục giải quyết mâu thuẫn, góp phần hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm các gia đình. Chị Trương Thị Mỹ Lệ, thành viên tổ ANTT thôn Tân Lập cho rằng, nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số khi là nạn nhân của bạo lực gia đình thường âm thầm chịu đựng. Là thành viên tổ ANTT ở thôn, tôi thường xuyên sâu sát, nắm rõ từng trường hợp để phối hợp cùng các hội, đoàn thể đến hòa giải, ngăn chặn bạo lực xảy ra.
Là phụ nữ khi tham gia tổ ANTT ở cơ sở gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng các chị luôn tận tâm với nhiệm vụ được giao nên sắp xếp việc nhà, việc đồng áng, dành thời gian hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ chung. Có chị ở trong hoàn cảnh gia đình neo đơn, nhưng vẫn tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động giữ gìn ANTT ở địa phương, coi đây là một phần trách nhiệm để bảo vệ cuộc sống bình yên của gia đình, của thôn, làng.
Chị Lê Thị Mỹ Linh, thành viên tổ ANTT thôn Thuận Hòa, nói: “Chồng tôi đi làm ăn xa nên tôi càng phải cố gắng hơn, sắp xếp việc nhà và việc tham gia tổ ANTT sao cho hợp lý, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ, cống hiến cho cộng đồng”.
T.LONG