Ông Putin phê duyệt học thuyết hạt nhân đã sửa đổi
Ngày 19.11, Hãng tin Reuters cho biết theo tài liệu được đăng trên trang web của chính phủ Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt học thuyết hạt nhân đã sửa đổi.
Một loạt báo đài Nga như Hãng thông tấn Sputnik, Tass, Đài RT... cũng đưa tin tương tự, kèm những nội dung chi tiết của học thuyết hạt nhân sửa đổi.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký, 19.11, theo Sputnik.
Phiên bản trước đó của học thuyết hạt nhân Nga đã được phê duyệt vào tháng 6.2020, thay thế văn bản tương tự đã có hiệu lực trong 10 năm.
Chính sách răn đe hạt nhân của Nga "mang tính chất phòng thủ"
Theo cập nhật trên Telegram của Hãng tin Sputnik, ông Putin đã chấp thuận các chính sách quan trọng của Nga trong lĩnh vực răn đe hạt nhân. Cụ thể:
Ngăn chặn kẻ thù tiềm tàng gây hấn với Nga và các đồng minh là một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc gia.
Bất kỳ hành động gây hấn nào của một quốc gia thuộc liên minh quân sự chống Nga hoặc các đồng minh sẽ được coi là hành động gây hấn của toàn bộ liên minh đó.
Chính sách của Nhà nước Nga trong lĩnh vực răn đe hạt nhân mang tính chất phòng thủ.
Nga thực hiện răn đe hạt nhân chống lại kẻ thù tiềm tàng, bao gồm các quốc gia, các khối và liên minh xem Nga là kẻ thù.
Khả năng thích ứng của răn đe hạt nhân với các mối nguy cơ và đe dọa quân sự được đưa vào nền tảng chính sách của Nhà nước Nga về răn đe hạt nhân.
Hành động gây hấn chống lại Nga hoặc các đồng minh thực hiện bởi một quốc gia phi hạt nhân, với sự hỗ trợ của của một quốc gia hạt nhân, sẽ được coi là một cuộc tấn công chung nhắm vào Nga.
Chính sách của nhà nước Nga về răn đe hạt nhân hướng đến duy trì tiềm lực của lực lượng hạt nhân ở mức vừa đủ để răn đe.
Nga xem xét kích hoạt răn đe hạt nhân khi nào?
Theo Sputnik, sắc lệnh phê chuẩn của ông Putin cũng nêu rõ Nga có thể xem xét kích hoạt răn đe hạt nhân trong trường hợp máy bay không người lái của kẻ thù tấn công đe dọa.
Dữ liệu về việc cất cánh hàng loạt của vũ khí tấn công trên không và không gian vượt qua biên giới Nga là một trong những điều kiện để xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nga coi những gì có thể yêu cầu nước này răn đe hạt nhân, triển khai tên lửa và hệ thống phòng thủ tên lửa là mối nguy hiểm quân sự.
Việc kẻ thù triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa trên không gian là mối nguy hiểm, và việc vô hiệu hóa mối nguy này đòi hỏi Nga phải răn đe hạt nhân.
Nga coi việc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ các quốc gia phi hạt nhân là mối nguy hiểm quân sự chính.
Răn đe hạt nhân sẽ được thực hiện liên tục trong thời bình, trong thời chiến và cho đến khi sử dụng vũ khí hạt nhân.
Lực lượng răn đe hạt nhân của Nga bao gồm các lực lượng mặt đất, trên biển và trên không.
Nga đang thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để ngăn chặn bất kỳ sự leo thang nào có thể gây ra xung đột quân sự, bao gồm cả xung đột hạt nhân.
Thông tin đáng tin cậy về việc phóng tên lửa đạn đạo tấn công Nga hoặc các đồng minh có thể khiến Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả.
(Theo THANH HIỀN/TTO)