Góp sức trẻ vào sự nghiệp “trồng người”
Thời gian qua, đội ngũ nhà giáo trẻ trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt, 35 nhà giáo trẻ vừa được Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh, Hội đồng Đội tỉnh tuyên dương là Nhà giáo trẻ tiêu biểu làm theo lời Bác giai đoạn 2022 - 2024. Dưới đây là câu chuyện của 3 trong số 35 Nhà giáo trẻ tiêu biểu làm theo lời Bác vừa được tuyên dương.
Không ngừng tìm tòi, trau dồi kiến thức
Công tác trong lĩnh vực giáo dục, những nhà giáo trẻ đều hiểu tầm quan trọng của việc liên tục học hỏi, nghiên cứu. Thầy Đinh Quốc Việt (SN 1989), giảng viên bộ môn Kỹ thuật hóa học thực phẩm (khoa Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Quy Nhơn) là trường hợp như vậy.
Thầy Việt chịu trách nhiệm giảng dạy các học phần liên quan đến thiết bị, công nghệ thuộc các ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học và Công nghệ thực phẩm. Do vậy, mỗi ngày, thầy đều dành thời gian đọc, nghiền ngẫm tài liệu để liên tục củng cố, nâng cao kiến thức.
Thầy Đinh Quốc Việt tận tình giảng dạy cho sinh viên tại trường. Ảnh: D.L
Song song với đó, thầy còn đam mê, dành nhiều công sức cho nghiên cứu khoa học. Riêng năm 2023, thầy cùng đồng nghiệp đã ra mắt một số công trình, như: “Nghiên cứu thu hồi các vật liệu (C, Zn, Mn) từ pin sơ cấp đã sử dụng ứng dụng trong xúc tác và lưu trữ năng lượng”; “Hiện trạng sản xuất cây dược liệu tại vùng Nam Trung Bộ”…
Thầy Việt chia sẻ: “Vì kiến thức là vô tận nên bản thân tôi luôn cập nhật để không bị tụt hậu. Chỉ khi liên tục học hỏi thì tôi mới đủ tự tin giảng dạy, hướng dẫn sinh viên”.
Tương tự, cho rằng việc đưa ra sáng kiến xuất phát từ thực tế giảng dạy là ưu tiên hàng đầu, từ năm học 2018 - 2019 đến nay, mỗi năm, cô Nguyễn Thị Nông (SN 1991), giáo viên Trường Mầm non Hoài Thanh (phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn) đều đưa ra một sáng kiến. Gần nhất là “Một số biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục cảm xúc cho trẻ 4 - 5 tuổi thông qua câu chuyện và tình huống trong trường mầm non”.
Theo cô Nông, lứa tuổi mầm non vô cùng hiếu động, tò mò, sử dụng mọi giác quan để khám phá thế giới xung quanh. Tuy nhiên, một số trẻ chưa kiểm soát được cảm xúc của bản thân, chưa hiểu được cảm xúc của người khác nên hành động chưa đúng. Một trong những cách tốt nhất để giúp trẻ là mang đến các câu chuyện, các nhân vật làm bằng đồ chơi mềm và để trẻ “đóng vai” một nhân vật trong tình huống cụ thể. Khi đó, trẻ có thể nhận biết những biểu hiện cảm xúc của người khác để điều chỉnh biểu hiện và hành vi; đồng thời nhận biết cảm xúc, tình cảm của mình và học cách thể hiện phù hợp.
“Đặc thù của trẻ mầm non là “chóng nhớ, mau quên” nên tôi đặc biệt chú ý đến kỹ năng và thái độ của trẻ khi tiếp ứng mỗi tình huống, câu chuyện. Nói cách khác, với tôi, “dạy cái gì” không quan trọng bằng “dạy trẻ thế nào”. Hiểu được điều ấy, việc dạy mới đem lại hiệu quả thực tế”, cô Nông cho biết.
Cô Nguyễn Thị Nông ân cần chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho học trò. Ảnh: D.L
Gần gũi, truyền cảm hứng
Ngoài thường xuyên động viên sinh viên nghiên cứu khoa học, sẵn lòng là cố vấn, hỗ trợ các bạn xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, thầy Việt cùng đồng nghiệp tổ chức các hoạt động học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển kỹ năng mềm, phương pháp học tập, tư vấn nghề nghiệp, đồng hành trong thực tập, thực tế… cho sinh viên.
Bùi Thị Thu Thảo (lớp Công nghệ Thực phẩm K43, Trường ĐH Quy Nhơn), một trong những sinh viên từng được thầy Việt hướng dẫn nghiên cứu khoa học năm học 2023 - 2024 với đề tài “Nghiên cứu tình hình trồng chuối ở Bình Định và khảo sát ảnh hưởng thông số kỹ thuật của quá trình sấy chuối”, “bật mí”: “Dấu ấn của thầy Việt trong lòng sinh viên được gói gọn trong 6 chữ: Nhiệt tình, kiên trì và trách nhiệm. Nhờ thầy, chúng tôi cảm thấy nghiên cứu khoa học vô cùng thú vị và nhiều niềm vui”.
Tương tự, với những mầm non thơ ngây, cô Nông là người mẹ thứ 2 của các em: Dịu dàng và ân cần trong từng cử chỉ, lời nói, cốt chỉ để trẻ phát triển đúng hướng. Bằng sự tận tâm, cô Nông đã gieo nhiều tình yêu, niềm tin cho cả trẻ lẫn phụ huynh. Tấm tắc mãi về cô giáo “vừa khéo, vừa đầy năng lượng”, chị Lương Thị Thùy Dương (ở phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn), cho hay: “Con trai tôi đi học rất vui nên về nhà hay kể cho ba mẹ nghe về bạn, về cô Nông. Thấy con trẻ mến cô và ngoan hơn từng ngày, tôi vô cùng yên tâm”.
Cũng được học sinh yêu mến và thường tìm đến tâm sự, đó là thầy Đinh Văn Trọng (SN 1991), giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất & Quốc phòng an ninh, kiêm Bí thư Đoàn Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định.
Thầy Đinh Văn Trọng đến ký túc xá thăm hỏi, chuyện trò với học sinh. Ảnh: D.L
Với đặc thù là trường nội trú, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số nên việc dạy, tổ chức hoạt động đoàn cho học sinh sẽ có điểm khác biệt.
Với kinh nghiệm 10 năm giảng dạy, thầy Trọng nhận thấy, để học sinh chăm chú học tập thì giáo viên cần “thổi hồn” vào bài giảng. Chẳng hạn, để giúp các em hiểu hơn về những chiến thuật đặc sắc trong lịch sử dân tộc, thầy Trọng sẽ sưu tầm tư liệu, trình chiếu và cung cấp thêm một số kiến thức mới cho học sinh, giúp tiết Quốc phòng an ninh thêm sinh động, hấp dẫn. Hay khi giảng dạy bộ môn Giáo dục thể chất, thầy cũng chú trọng việc hướng dẫn kỹ thuật và cùng luyện tập với học sinh, vừa tăng hiệu quả bài học, vừa giúp thu hẹp khoảng cách giữa thầy và trò. Đồng thời, thầy khuyến khích các em thực hành trong giờ giải lao, giúp học trò rèn luyện sức khỏe, phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hiểu rằng chỉ gặp tại lớp là chưa đủ, thầy Trọng còn dành nhiều công sức để hiểu thêm về tính cách của học trò; sắp xếp thời gian để đến ký túc xá thăm hỏi, giúp học sinh ôn bài, cùng giao lưu thể dục, văn nghệ. Trên hết, thầy khuyến khích học trò giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình nhưng đồng thời cũng cần tích cực tiếp thu những quan điểm tiến bộ, tích cực, hướng đến việc ngày càng hoàn thiện bản thân.
“Vốn có sự khác biệt về văn hóa, lối sống từ trước nên để học sinh “vào guồng”, tích cực học tập, sinh hoạt, Đoàn trường sẽ tạo nhiều sân chơi để các em hòa đồng hơn, cùng nhau phát triển. Ngoài ra, tôi sẽ chú ý hơn đến những trường hợp “khép mình” để kịp thời lắng nghe, gỡ rối cho các em. May mắn, tôi được các em đón nhận và ngày càng gắn kết”, thầy Trọng tâm sự.
DƯƠNG LINH