Mỹ không điều chỉnh vị thế hạt nhân sau khi Nga hạ ngưỡng vũ khí hạt nhân
Nhà Trắng ngày 19.11 cho biết Mỹ không ngạc nhiên về việc Nga hạ ngưỡng cho một cuộc tấn công hạt nhân và Washington không có kế hoạch điều chỉnh vị thế hạt nhân của mình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19.11 đã phê duyệt học thuyết hạt nhân được sửa đổi. Học thuyết hạt nhân sửa đổi đề cập đến việc Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu phải chịu một cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường mà một cường quốc hạt nhân hỗ trợ. Ngoài ra, học thuyết nêu rõ Moscow sẽ coi hành động khiêu khích chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân, là một cuộc tấn công chung vào Nga và vượt ngưỡng hạt nhân. Quyết định của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa do Mỹ sản xuất tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Phía Nga cho biết Ukraine ngày 19.11 đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa của Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AA/TTXVN
Phản ứng với quyết định của Tổng thống Putin, Nhà Trắng cho biết Mỹ không bất ngờ với việc Nga sẽ cập nhật học thuyết hạt nhân khi Nga đã ra dấu hiệu sẽ thực hiện điều này trong nhiều tuần. Nhà Trắng tuyên bố sẽ không điều chỉnh vị thế hạt nhân của Mỹ đồng thời gọi việc binh sỹ Triều Tiên được triển khai ở Ukraine là một động thái leo thang.
Nga từng cảnh báo các nước phương Tây rằng nếu Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa do Mỹ, Anh và Pháp sản xuất bắn sâu vào lãnh thổ của Nga, nước này sẽ coi các nước thành viên NATO đó trực tiếp can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine. Nhà Trắng đã gọi tuyên bố của Nga là vô trách nhiệm.
Cuộc chiến ở Ukraine tới nay đã kéo dài 2 năm rưỡi và là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Theo Phạm Huân (VOV)