UNESCO nâng mức bảo vệ 34 di sản vì cuộc chiến Israel - Hezbollah
34 tài sản văn hóa ở Liban sẽ được UNESCO bảo vệ ở mức độ cao nhất khỏi các cuộc tấn công hay sử dụng cho mục đích quân sự. Quyết định có hiệu lực từ 18.11.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa ra thông báo trên trang chủ về việc nâng mức độ bảo vệ dành cho 34 di sản văn hóa tại Liban.
Ngày 30.10, theo yêu cầu của chính quyền Liban, UNESCO triệu tập phiên họp bất thường vì nguyên nhân xung đột vũ trang. UNESCO quyết định tạm thời đưa 34 di sản văn hóa của Liban vào danh sách di sản văn hóa thế giới được tăng cường bảo vệ.
Liban có nhiều ngôi đền kỳ vĩ.
34 tài sản văn hóa sẽ được bảo vệ ở mức độ cao nhất khỏi các cuộc tấn công hay sử dụng cho mục đích quân sự. Quyết định có hiệu lực từ 18.11.
UNESCO đưa ra thông báo này sau khi một số cuộc không kích của Israel xảy ra gần những di tích La Mã cổ đại. Theo UNESCO, việc không tuân thủ các quy định bảo vệ có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng theo Công ước La Haye năm 1954 về bảo vệ di sản văn hóa trong xung đột.
Bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO - khẳng định: "UNESCO có mối quan hợp tác sâu sắc và lâu dài với Liban. Chúng tôi sẽ không tiếc công sức để bảo vệ di sản quý giá của đất nước này".
Được xây dựng từ những viên đá nặng hàng trăm tấn, đền Jupiter ở Liban là một trong những công trình ghi dấu nền văn minh cổ đại.
Từ khi chiến sự bùng nổ, UNESCO giữ liên hệ chặt chẽ với các chuyên gia văn hóa và chính quyền Liban, đề nghị hỗ trợ trong việc xác định các biện pháp khẩn cấp, kiểm kê các bộ sưu tập bảo tàng và di chuyển các tác phẩm đến các địa điểm an toàn hơn.
Từ 23.9, Israel tăng cường các cuộc không kích và tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào Liban sau gần một năm giao tranh hạn chế ở khu vực biên giới. Trong báo cáo công bố ngày 14.11, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá thiệt hại vật chất và tổn thất kinh tế do cuộc xung đột gây ra cho Liban ước vào khoảng 8,5 tỷ USD. Gần 100.000 ngôi nhà đã bị phá hủy ở quốc gia Trung Đông này.
Theo Ngọc Ánh (TPO)