Những ô cửa tâm hồn
Cồn (NXB Hội Nhà văn, 2024), tập thơ vừa ra mắt bạn đọc là kết nối những tâm hồn tha thiết với thơ của 8 tác giả hiện đang sống hoặc từng sinh sống ở Bình Định: Duyên An, Khổng Trường Chiến, Lê Trọng Nghĩa, Vân Phi, Hồ Minh Tâm, My Tiên, Trần Quốc Toàn và Nguyễn Đặng Thùy Trang. Thi sĩ Hồ Minh Tâm trong lời bạt về cuốn sách, đã viết: “Chúng tôi đã uống buổi chiều, uống ban mai, uống gió, uống cát, uống cái nhìn, uống lời chưa nói... Chúng tôi uống chung nhau để tìm cơn say riêng...”. Thơ đã bắt nhịp cho những gặp gỡ, vun cấy những ân tình, cùng thắp lên ngọn lửa ấm để san sớt trong vòng tay bè bạn.
Ở đó, ta thấy một My Tiên muôn chiều kích tính nữ, ước vọng vùng thoát, có khi trong thơ My Tiên bật lên những liên tưởng thú vị: “Anh luôn là cơn mưa ngoài dự kiến/ Mưa từ trong thinh lặng trong em”. Nguyễn Đặng Thùy Trang êm đềm, dịu dàng, đôi lúc nỗi buồn được kín đáo gửi gắm trong hồn cỏ cây quanh mình: “Tôi không là cây/ Em không là cây/ Sao thấy những trơ khốc trong thân thể/ Những buốt giá của tháng ngày/ Chút hồng hoang mộng tưởng/ Cây đã bỏ đi đâu những gai góc nhọn người”.
Trong Cồn, ta gặp một Duyên An đằm sâu, tự thắp cho mình một ngọn nến nhỏ để ấm bàn tay thơm, mà bao dung, yêu thương hơn cuộc đời: “Đừng vội thắp đèn/ vì đêm sẽ thắp lên khoảng xanh/ thứ ánh sáng chỉ đêm mới thấy”. Khổng Trường Chiến lắng lòng mình với quê, với mẹ cha, với nỗi tha thủi của đứa trẻ mồ côi. Có lúc thơ anh thật giản dị mà khiến ta lặng thắt: “Nhà vắng mùi mắm cua từ lúc mẹ qua đời/ Tiết tháng Mười đau đáu nhìn theo người đi dậm/ Hang hốc khoét sâu về nơi cỏ rậm/ Chỗ mẹ nằm bây giờ chỉ cách một bờ mương”.
Lê Trọng Nghĩa nồng nàn ly đắng, đậm chất trữ tình. Nhân vật “em” khúc xạ đa chiều trong tình yêu mà anh tận hiến: “Em lẫn trong gió, trong ánh trăng/ Trong tiếng nỉ non sao trời vô vọng/ Trong cơn đói của lá vàng/ Anh không nắm bắt được gì ngoài một nhành cây mùa đông trổ trái…”.
Vân Phi trọ mình trong những cơn say, như thi sĩ Hồ Minh Tâm “bóc mẽ” anh rằng: “Uống rượu với hắn thì không lo cồn cào ruột gan, bởi hắn uống như sợ mai này khát... Họ mời thì uống, hắn ít chủ động mời mọc “tình thương mến thương”, ai uống bao nhiêu... tùy, miễn đêm đừng hết rượu, tàn đêm mà còn rượu là còn vọng âm...”. Có lẽ thế Vân Phi viết: “ta đâu biết/ khói sương là nước mắt/ nên trùng trùng hư ảnh/ những cơn say”.
Trần Quốc Toàn như cây lúa đã bện linh hồn cho lở bồi phù sa cánh đồng, triền quê thơ ấu. Thơ anh như những câu chuyện kể, khiến người nghe muốn ngồi lại thật lâu: “Đâu phải cứ văn minh giữa những tòa cao ốc/ rồi quăng mình vào đống hổ lốn đười ươi/ thâu cứ dìa ngồi bên dòng sông tỉnh lẻ/ có bà Năm rót Bàu Đá đang chờ…”.
Trong 8 tác giả, Hồ Minh Tâm không phải là người Bình Định nhưng anh có thời gian làm việc 2 năm ở đây, gắn bó với đồi cát Phương Mai, đã sâu nặng những kỷ niệm, để viết như một gửi gắm về tình bạn trong Cồn: “ngày đêm là đằng trước/ ngày đêm ở trên cao/ ngày đêm là đằng sau/ & tất cả/ chúng ta lẹm vào nhau/ lẹm vào nhau mà tròn trịa với nhau”.
MỘC THƯƠNG