Xử lý vi phạm trong hoạt động nuôi, khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại: Quyết tâm, triệt để, không để tái diễn
Từ nhiều năm nay, huyện Tuy Phước đã ra nhiều văn bản chỉ đạo, ra quân xử lý tình trạng xung điện, xiếc máy, giã cào, lồng bè nuôi thủy sản trái phép trên đầm Thị Nại, tuy nhiên vẫn chưa dứt điểm được. Từ cuối tháng 10.2024 cho đến nay, huyện quyết liệt chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chính quyền các xã khu Ðông ra quân xử lý kiên quyết, triệt để, không để tái diễn.
Sáng 5.11, chúng tôi có mặt tại điểm tập trung tháo dỡ các lồng bè nuôi thủy sản trái phép ở thôn Nhân Ân (xã Phước Thuận), ghi nhận công tác ra quân của các lực lượng chức năng. Tham gia chỉ đạo việc tháo dỡ các lồng bè, thượng tá Nguyễn Văn Đây, Trưởng CA huyện Tuy Phước cho biết, việc cắm cọc, quây lưới trái phép để nuôi, khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại trong thời gian qua đã gây mất ANTT, không đảm bảo ATGT đường thủy, gây khó khăn cho công tác quản lý và phục hồi nguồn lợi thủy sản, phát sinh nhiều trường hợp khiếu nại, khiếu kiện. Tình trạng này gây bức xúc cho người dân hành nghề khai thác thủy sản truyền thống, làm nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.
Lực lượng chức năng cưỡng chế, tháo dỡ cọc tre, lưới của các hộ bao chiếm trái phép mặt nước đầm Thị Nại để nuôi thủy sản. Ảnh: VĂN LƯU
“Trước đây, chính quyền địa phương đã vận động người dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính một số hộ, nhưng cũng không đủ sức răn đe. Do đó, việc kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm lấn chiếm mặt nước trên đầm Thị Nại vừa qua là rất cần thiết”, thượng tá Đây nói.
Theo ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc tháo dỡ lồng bè và tháo bỏ gọng tàu xung điện, xiếc máy, nhưng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền xã và cả hệ thống chính trị, với các biện pháp cứng rắn, kiên quyết, đến nay hầu hết số lồng bè, ghe xung điện, xiếc máy đã được tháo dỡ, giao nộp cho địa phương quản lý, góp phần đảm bảo ATGT tuyến đường thủy và môi trường nước trên đầm Thị Nại.
Còn ông Phan Thế Khoa, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, chia sẻ: Trước đây, trên địa bàn xã có đến 28 trường hợp xây dựng 220 lồng bè nuôi hàu, vẹm xanh với diện tích gần 5 ha. Thời gian qua, huyện và xã đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nên đến nay 100% trường hợp nuôi thủy sản trái phép trên đầm Thị Nại chấp hành tháo dỡ lồng bè.
Cũng theo lãnh đạo các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Huyện ủy, hiện UBND các xã đã thành lập đội tuần tra do Trưởng CA xã làm đội trưởng. Thời gian qua, đã kiểm tra, vận động 128/128 tàu sử dụng xung điện, xiếc máy tháo bỏ gọng; phát hiện, xử lý 1 trường hợp gắn gọng để chuẩn bị hành nghề xung điện xiếc máy. Đến nay trên địa bàn huyện không còn hiện tượng khai thác thủy sản bằng xung điện, xiếc máy.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết: Từ cuối tháng 10.2024, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân nuôi thủy sản lồng bè trái phép, tàu cá gắn gọng để khai thác thủy sản bằng xung điện, xiếc máy trên địa bàn huyện tự giác tháo dỡ. Đến nay, hầu hết các hộ đã chấp hành. Để duy trì thành quả, huyện yêu cầu đảng ủy các xã khu Đông lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã và những bộ phận liên quan tiếp tục tuyên truyền, vận động, quyết liệt trong xử lý các hành vi vi phạm. Đồng thời yêu cầu Đảng ủy CA huyện chỉ đạo lập chuyên án theo dõi các đối tượng có dấu hiệu vi phạm, xử lý ngay.
Trước đó, ngày 15.10, tại cuộc làm việc với Thường trực Đảng ủy các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng về công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), Bí thư Huyện ủy Tuy Phước Lê Thị Vinh Hương đã chỉ đạo các xã phải chú trọng công tác vận động, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ, với phương châm: Nắm chắc từng trường hợp, bám địa bàn, quyết liệt, triệt để, thường xuyên, liên tục; xử lý với tinh thần kiên quyết, không để tái diễn. Nếu để tình trạng này tái diễn thì chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện.
VĂN LƯU